Tạo nên diện mạo đô thị Hà Nội xứng tầm

Đời sống - Ngày đăng : 08:37, 17/02/2019

(HNM) - Kiến trúc sư Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới về kỳ vọng đóng góp của giới kiến trúc sư để tạo nên diện mạo đô thị Hà Nội xứng tầm.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý trao giải A Giải thưởng kiến trúc Hà Nội năm 2017-2018.


- Vừa qua, Hội Kiến trúc sư Hà Nội đã trao giải thưởng cho các công trình kiến trúc xuất sắc của hội viên trong hai năm 2017-2018. Những công trình đó đã đóng góp thiết thực như thế nào cho Thủ đô, thưa ông?

- Kiến trúc là một ngành nghệ thuật đặc thù, thiết thực hơn bất cứ ngành nghệ thuật nào khác. Chúng tôi, những kiến trúc sư, là người tạo nên các công trình mang giá trị thẩm mỹ cao để mọi người sinh sống, làm việc và vui chơi tiện nghi, thuận lợi. Tuy được đặt hàng thiết kế với những yêu cầu riêng nhưng kiến trúc sư vẫn giữ vai trò chủ động trong việc sáng tạo công trình, tư vấn, thuyết phục và định hướng người sử dụng để tạo nên những tác phẩm phù hợp, tốt hơn.

Vừa qua, Hội Kiến trúc sư Hà Nội chọn 8 tác phẩm, công trình sáng tác trong hai năm 2017-2018 để trao giải thưởng. Đây đều là những công trình thiết thực, đã hoặc đang được xây dựng, đưa vào sử dụng tại Hà Nội. Đáng chú ý là tác phẩm “Quy hoạch phân khu đô thị N1, tỷ lệ 1/2000” tại huyện Mê Linh và Đông Anh, Hà Nội. Đây là quy hoạch mấu chốt để giải quyết các vấn đề của phần đô thị phía Bắc Hà Nội như giao thông, nhà ở, văn phòng… và nó có nhiều chi tiết sáng tạo giúp phát triển những công trình kiến trúc về sau ở đây.

Tác phẩm “Khu nhà ở cao tầng E4” tại Yên Hòa, Cầu Giấy cũng là một thiết kế tốt vì vẻ ngoài hiện đại, các căn hộ đều được tiếp xúc nhiều với không gian tự nhiên. Phần lõi giao thông thông thoáng nhờ lấy sáng từ một bên hành lang. Những điểm này thực sự đáng quý ở Hà Nội. Các công trình khác trong hai năm qua cũng thể hiện sự sáng tạo, nhưng chúng tôi chọn đồ án nào thực thi thuận lợi hơn và đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của kiến trúc Thủ đô.

- Một trong những nhiệm vụ của Hội là tham gia phản biện các công trình quy hoạch, kiến trúc, mỹ thuật của Thủ đô. Ông có thể đánh giá công tác này thời gian qua?

- Hoạt động chủ yếu của Hội Kiến trúc sư Hà Nội vẫn là động viên kiến trúc sư sáng tác, thực hiện sáng tạo các công trình, đồ án kiến trúc. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tham gia các hội đồng về quy hoạch, kiến trúc, chỉnh trang đô thị của thành phố. Trong năm 2018, Hội Kiến trúc sư Hà Nội đã tham gia rà soát và tư vấn phản biện khoảng 100 chủ trương, đồ án, công trình quy hoạch, kiến trúc lớn nhỏ.

Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, ảnh hưởng đến không gian đô thị và nông thôn cũng như hoạt động chỉnh trang đô thị. Về hiệu quả, có nhiều công trình đã khá tốt, chúng tôi chỉ lưu ý tác giả một số điểm để đạt hiệu quả sử dụng cao hơn. Đa số các đóng góp của Hội Kiến trúc sư Hà Nội đều hướng đến việc tăng ưu điểm, giảm nhược điểm cho các công trình, dự án, vì vậy, rất nhiều ý kiến đã được lắng nghe, áp dụng.

Năm qua, Hội Kiến trúc sư Hà Nội đã góp ý vào dự thảo Luật Kiến trúc, tổ chức các cuộc tọa đàm về vấn đề đang được xã hội quan tâm như kiến trúc nông thôn mới ở Hà Nội; cải tạo, tái thiết khu tập thể, chung cư cũ ở nội đô… không những đóng góp cho thành phố mà còn giúp giới kiến trúc sư nắm bắt các vấn đề của đô thị và cập nhật xu hướng thế giới.

- Ngoài kiến trúc đô thị thì kiến trúc nông thôn đang là vấn đề được thành phố quan tâm. Hội Kiến trúc sư Hà Nội đã có những nỗ lực gì để tham gia?

- Đúng là kiến trúc nông thôn đang có nhiều vấn đề cần sự quan tâm. Tuy nhiên, về mặt kiến trúc, bản thân tôi khi về những vùng đất ấy luôn cảm thấy xao xuyến, bâng khuâng. Nhiều nơi đường sá, nhà cửa được xây dựng giống y chang thành phố. Đây đó vẫn thấy những căn nhà nhô ra nhô vào, sơn lòe loẹt, phá vỡ không gian êm đềm của làng quê. Tiếc nuối nhất là có nhiều công trình kiến trúc đặc trưng của nông thôn Hà Nội, tồn tại lâu đời bị phá bỏ… Trách nhiệm này một phần thuộc về những người làm kiến trúc.

Bởi chúng tôi chưa dồn đủ lực lượng, tài năng và tâm huyết vào công tác kiến trúc, xây dựng ở khu vực nông thôn. Hội đã vận động hội viên và các kiến trúc sư trên cả nước tích cực tham gia sáng tác, thiết kế cho các công trình nông thôn Hà Nội vừa hiện đại, khang trang, tiện dụng vừa giữ được nét văn hóa và “hồn” làng quê.

- Trong năm 2019, Hội Kiến trúc sư Hà Nội sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì, thưa ông?

- Công việc quan trọng nhất của Hội là động viên, hỗ trợ hội viên và giới kiến trúc sư tập trung vào chuyên môn sáng tác, để kiến thiết những công trình bắt kịp với nhịp độ và yêu cầu phát triển của Thủ đô. Chúng tôi định hướng hội viên khi thiết kế phải luôn nghĩ đến vấn đề tổng thể, toàn diện.

Có nghĩa là, một căn nhà, một công trình đẹp chưa phải là mục tiêu, mà nó phải hài hòa với “hàng xóm”, cùng tạo thành một cụm đô thị có tổng thể ăn nhập, thuận tiện, hiện đại, đẹp đẽ. Nếu kiến trúc sư và người tham gia vào công tác quy hoạch, kiến trúc đều nghĩ đến vấn đề tổng thể thì sẽ tạo nên một diện mạo đô thị Thủ đô toàn diện, xứng tầm.

- Trân trọng cảm ơn ông!

An Nhi