Từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp
Xã hội - Ngày đăng : 07:33, 18/02/2019
- Việc triển khai đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội hiện nay như thế nào, thưa bà?
- Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Khuyến nông Hà Nội, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã đẩy mạnh công tác thẩm định phương án vay vốn đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp để kịp thời giải ngân nguồn vốn giúp nông dân phát triển sản xuất. Từ năm 2017 đến nay, trên cơ sở tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định và phương án sản xuất của hộ gia đình có nhu cầu vay vốn, trung tâm đã giải ngân vay vốn đầu tư đưa cơ giới hóa là 102 hộ với tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng.
Nhìn chung, nhu cầu đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố rất cao. Ví như huyện Ứng Hòa, năm 2017 và 2018, địa phương này có 7 trường hợp được Quỹ Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 3 tỷ đồng để mua 5 máy gặt đập liên hợp. Tương tự, huyện Sóc Sơn, có 14 hộ gia đình được hỗ trợ 3,9 tỷ đồng để mua máy gặt đập liên hợp, mỗi hộ được vay từ 400 đến 500 triệu đồng và có 2 hộ gia đình được hỗ trợ 650 triệu đồng mua máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp.
- Theo bà, bên cạnh kết quả đạt được thì việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn gặp một số khó khăn nào?
- Đúng vậy, mức độ ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đang thấp hơn so với cả nước và một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Hiện nay, trong lĩnh vực trồng trọt, cơ giới hóa khâu làm đất đạt khoảng 95% diện tích, gặt lúa bằng máy đạt 45,5%, diện tích phun thuốc trừ sâu bằng máy đạt 28,8%, diện tích cấy lúa bằng máy chỉ đạt 2% diện tích cấy lúa toàn thành phố. Trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, cơ giới hóa trong khâu vắt sữa đạt 37,7%, khâu thái cỏ đạt 68%...
Nguyên nhân là do nông dân không nắm rõ phương pháp vận hành máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thậm chí, khi gieo mạ bằng máy, nhiều nơi không có đủ diện tích đặt khay mạ, phải hợp tác, liên kết với các hộ gia đình ở nơi khác để thực hiện.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ cơ sở thiếu và yếu về chuyên môn, hầu hết chưa được đào tạo để sử dụng máy, thiết bị, trong khi cơ sở dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị nông nghiệp chưa được hình thành tại các địa phương...
- Để tháo gỡ những khó khăn trên, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội có những giải pháp gì nhằm thúc đẩy việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, thưa bà?
- Toàn thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa lên 40%, gặt đập lên 60%... Trong chăn nuôi, nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu thái cỏ và vắt sữa lên 90%, làm mát chuồng trại chăn nuôi lợn, gà đạt 30%...
Vì vậy, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác khảo sát, kiểm tra, thẩm định hồ sơ nhằm kịp thời hỗ trợ nông dân vay vốn từ Quỹ Khuyến nông Hà Nội. Trung tâm cũng thực hiện việc rà soát, lĩnh vực cơ giới hóa nào yếu sẽ tập trung mũi nhọn vào khâu đó để thúc đẩy đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Điển hình như khâu máy cấy của Hà Nội đang phát triển chậm nên đơn vị sẽ tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật, đồng thời phối hợp với doanh nghiệp cung ứng máy cho hộ gia đình, hợp tác xã. Các mô hình cơ giới hóa trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt nếu đem lại hiệu quả kinh tế cao cũng sẽ được trung tâm xem xét hỗ trợ nhân rộng trong thời gian tới...
- Trân trọng cảm ơn bà!