Quyết tâm xóa "điểm đen" tai nạn giao thông
Giao thông - Ngày đăng : 07:48, 18/02/2019
Thí điểm lắp đặt rào chắn ngăn ngừa tai nạn giao thông tại Dốc Cun trên quốc lộ 6. Ảnh Nam Khánh |
Hiệu quả từ hệ thống cứu nạn
Tháng 12-2018, khu vực Dốc Cun trên tuyến quốc lộ 6 thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình là “điểm đen” đầu tiên được Cục Quản lý đường bộ I (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Xây dựng Lê Minh lắp đặt thử nghiệm hệ thống rào chắn bánh xoay ETI Hàn Quốc dài 150m với tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ đồng.
Theo ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xây dựng Lê Minh, đoạn tuyến qua Dốc Cun nằm trong khu vực có địa hình quanh co, hai bên đều là vách núi, bán kính cong nhỏ, lại thường xuyên có sương mù bao phủ khiến tầm nhìn hạn chế. Đặc biệt, với độ dốc lớn và dài, khi đi qua đoạn tuyến này, các tài xế liên tục phải rà phanh, dễ xảy ra sự cố mất phanh, nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
Theo các kỹ sư thực hiện dự án, hệ thống rào chắn bánh xoay đã được kiểm định chất lượng dựa trên 3 bài kiểm tra với xe ô tô con, xe tải, xe ô tô khách; vận tốc va chạm từ 60-80km/h và góc độ va chạm giữa phương tiện và rào chắn từ 15 đến 20 độ. Kết quả cho thấy, phương tiện sau khi va chạm chỉ bị hư hỏng bề ngoài nhưng vẫn có thể lưu thông, còn lái xe và hành khách đều được bảo đảm an toàn.
Bên cạnh đó, màn phản quang trực quan trên bánh xoay có hiệu ứng mạnh khi đèn chiếu sáng kết hợp với màu sắc đánh thức giác quan người điều khiển phương tiện (đặc biệt là ban đêm) làm hạn chế sự mệt mỏi hoặc buồn ngủ của lái xe. Độ bền của công trình có thể lên đến 70 năm. Nếu thành công, mô hình này sẽ được nghiên cứu áp dụng tại nhiều tuyến đường đèo dốc khác.
Tại đèo Lò Xo nối 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, Chi cục Quản lý đường bộ 3.4 cũng lắp được 800m tường bằng lốp cao su cũ tại nhiều vị trí đường cong có độ dốc lớn. Theo kế hoạch, trên đèo Lò Xo sẽ lắp đặt 13 đoạn tường bằng lốp cao su, dài 1.126m với tổng chi phí khoảng 4,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, ngay từ đầu năm 2018, Tổng cục đã thành lập 4 đoàn kiểm tra nhằm rà soát, xử lý các bất cập về tổ chức giao thông, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, qua đó đã góp phần giảm tai nạn và giải quyết những bức xúc của người dân. Kết quả, trong năm qua trên hệ thống quốc lộ đã xử lý được 322 "điểm đen".
Rõ trách nhiệm, rõ thời hạn...
Theo thống kê trên hệ thống quốc lộ còn 44 "điểm đen" và 161 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông. Hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang giao cho các cục khu vực, các chi cục phối hợp với địa phương rà soát và lên phương án xử lý dứt điểm trong năm 2019. Đồng thời thường xuyên rà soát cập nhật, xử lý các vị trí phát sinh.
Quá trình xử lý sẽ tập trung vào các tuyến đường đèo dốc, vực sâu nguy hiểm, tăng cường tường phòng hộ, xây dựng đường cứu nạn, hốc cứu nạn khi điều kiện địa hình, mặt bằng cho phép để cứu nguy cho các xe mất phanh, đề phòng tai nạn giao thông thảm khốc.
Đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) được triển khai một số giải pháp nhằm nâng cao an toàn giao thông. |
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Huyện, bên cạnh quyết tâm của Tổng cục, các địa phương cũng cần tập trung ưu tiên cho công tác xử lý "điểm đen", thực hiện các giải pháp nâng cao an toàn giao thông như sơn tim đường, làm gờ giảm tốc, bổ sung biển báo hiệu đường bộ...
Mục tiêu phải xóa hết các "điểm đen" tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ ngay trong năm 2019 thêm một lần nữa được Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định tại buổi làm việc với các đơn vị quản lý đường bộ ngày 12-2 vừa qua.
Theo đó, Bộ đang xây dựng và sẽ trình Chính phủ đề án mới về công tác duy tu, sửa chữa đường bộ để toàn bộ tuyến đường bảo đảm chất lượng, phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay, công tác duy tu, sửa chữa đường sá còn chưa đáp ứng được yêu cầu do ngân sách còn hạn chế.
Theo tính toán chung của các địa phương, nguồn kinh phí bố trí cho công tác duy tu, sửa chữa đường hằng năm mới đáp ứng được khoảng 30% yêu cầu. Năm nay, chủ trương của Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia là ưu tiên xử lý dứt điểm các "điểm đen" tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ.
"Nếu hết năm không xử lý được các "điểm đen" thì cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ phải chịu trách nhiệm. Tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại các vị trí mà khi điều tra phát hiện đó là “điểm đen”, đơn vị quản lý tuyến đường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật" - người đứng đầu ngành Giao thông - Vận tải nhấn mạnh.