Đội Công binh Việt Nam chuẩn bị tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
Chính trị - Ngày đăng : 14:31, 18/02/2019
Trao đổi chuyên môn Công binh Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Pháp ngày 25-6-2018. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc chủ trì cuộc họp.
Tham dự có các thành viên Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Triển khai Đề án Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo, Bộ Quốc phòng đã triển khai 29 lượt sỹ quan cá nhân và 1 Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tại Phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi; đồng thời tích cực chuẩn bị cho Đội Công binh để triển khai tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc phù hợp khi có yêu cầu.
Bộ Chính trị đã đồng ý về chủ trương để Bộ Quốc phòng triển khai Đội Công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đồng ý chủ trương cử Đội Công binh thay thế Đội Công binh của Vương quốc Anh vào năm 2020.
Hiện việc đăng ký năng lực cho Đội Công binh Việt Nam vào hệ thống PCRS (hệ thống sẵn sàng năng lực) của Liên hợp quốc đã hoàn tất.
Biểu biên chế của Đội Công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thuộc Bộ Tư lệnh Công binh, với quân số dự kiến 268 người, danh mục trang bị được xây dựng dựa trên tài liệu “Yêu cầu về năng lực của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan tháng 11-2017 (UNMISS SUR-2017) và thực tế nhu cầu, năng lực của Việt Nam.
Liên hợp quốc đang tiến hành thẩm tra hồ sơ năng lực Đội Công binh của Việt Nam. Theo đó, Liên hợp quốc đã yêu cầu Việt Nam đáp ứng một số nội dung trong quá trình xây dựng Danh mục trang thiết bị chính và trang thiết bị tự duy trì, làm cơ sở để Liên hợp quốc tổ chức Đoàn kiểm tra tiền triển khai dự kiến vào khoảng giữa năm 2019.
Về công tác huấn luyện, Đại tá Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, Cục đã chủ trì, phối hợp tổ chức các khóa huấn luyện tiền triển khai gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, các khóa tiếng Anh, tiếng Pháp cho Đội Công binh.
Việt Nam đang đàm phán với Liên hợp quốc và Vương quốc Anh để có thể cử Đội Công binh thay thế Đội Công binh của Anh tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Nam Sudan vào khoảng tháng 2-2020 – thời điểm Đội Công binh của Anh kết thúc nhiệm kỳ và rút quân khỏi Phái bộ Nam Sudan.
Hiện có 5 ứng cử viên thay thế vị trí này, trong đó có Bangladesh, Campuchia, Việt Nam đã được Liên hợp quốc chấp thuận ở cấp độ 1, Trung Quốc và Croatia có Đội Công binh, nhưng chưa đăng ký.
Liên hợp quốc bày tỏ ủng hộ Việt Nam triển khai vào vị trí này nếu Việt Nam đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu của Liên hợp quốc về năng lực, nhân sự, trang thiết bị.
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, để triển khai thành công Đội Công binh thay thế Đội Công binh của Anh tại Nam Sudan vào đầu năm 2020, còn nhiều công việc cần phải phối hợp, triển khai đồng bộ; tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc lớn nhất là vấn đề về trang thiết bị hiện có và việc mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu về tiêu chí chất lượng, thời gian theo yêu cầu của Liên hợp quốc.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh yêu cầu Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Tư lệnh Công binh, Cục Quân lực… phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan thống nhất việc mua sắm, trang bị đầy đủ cho Đội Công binh, tiến hành mua sắm để kịp tiến độ triển khai; đồng thời sớm ban hành Biểu tổ chức biên chế, trang bị Đội Công binh Việt Nam (theo tài liệu SUR-2017), nhất là phục vụ Liên hợp quốc kiểm tra, đánh giá và chấp thuận cho Việt Nam triển khai Đội Công binh, sau đó chính thức tổ chức ra mắt và tập trung huấn luyện vào khoảng tháng 6-2019.
Bộ Tư lệnh Công binh chịu trách nhiệm chuẩn bị địa điểm ăn ở, huấn luyện. Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phối hợp với Cục Đối ngoại tổ chức khảo sát tại Nam Sudan, đề nghị phía Hàn Quốc, Pháp, Anh tiếp nhận các đoàn của Việt Nam sang tập huấn chuyên môn.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cũng giao Cục Tài chính và Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam sớm tổng hợp, chuẩn bị trình kinh phí mua trang bị, hậu cần kỹ thuật, huấn luyện tiền triển khai và vận chuyển, triển khai tại địa bàn.