Hội nghị An ninh Munich năm 2019: Thẳng thắn, cởi mở
Thế giới - Ngày đăng : 07:12, 19/02/2019
MSC 2019 đã thảo luận về nhiều vấn đề nóng của an ninh thế giới. |
Với hàng trăm cuộc thảo luận, các đại biểu đã bàn về nhiều vấn đề từ cạnh tranh và hợp tác giữa các cường quốc, tương lai của Liên minh châu Âu (EU), các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đến triển vọng của kiểm soát vũ khí và chính sách quốc phòng hay sự giao thoa giữa thương mại và an ninh quốc tế… Trong đó, các chủ đề nổi bật nhất là chống khủng bố, vấn đề hạt nhân Iran, giải trừ quân bị, vai trò và đóng góp của Trung Quốc với an ninh thế giới, vấn đề Venezuela…
Nhìn một cách tổng thể, MSC 2019 đã đề cập đến hầu như tất cả các vấn đề nóng nhất của an ninh thế giới trong cả các phiên thảo luận chính thức lẫn các cuộc gặp và phát ngôn bên lề. Sự kiện tại Munich ngày càng chứng tỏ là một cuộc gặp gỡ an ninh thường niên có chất lượng cao, với sự góp mặt của những lãnh đạo của nhiều cường quốc. Tuy nhiên, qua đó, MSC 2019 đã cho thấy nhiều mâu thuẫn còn tồn tại.
Một điển hình là vấn đề hạt nhân Iran. Trong khi Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đề nghị châu Âu hành động nhiều hơn để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân của nước này với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) thì chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump lại dốc sức kêu gọi các nước châu Âu rút khỏi văn bản này. Tương tự, trong vấn đề giải trừ quân bị cũng tồn tại sự khác biệt lớn. Hiện các lãnh đạo châu Âu mà cụ thể là Thủ tướng nước chủ nhà, bà Angela Merkel, mong muốn các quốc gia thực thi những cam kết giải trừ quân bị và kiểm soát chạy đua vũ trang. Tuy nhiên, cách đây không lâu, Mỹ vừa tuyên bố rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga. Bản thân Mỹ và Trung Quốc cũng đang căng thẳng không chỉ ở những tranh chấp thương mại, mà trong cả quan điểm về tập đoàn Huawei. Trong khi Mỹ kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị ở Munich từ chối hãng công nghệ hàng đầu của “người khổng lồ” châu Á do những e ngại về an ninh, Trung Quốc lại phản đối lập luận mà nước này cho rằng phản ánh “sự thống trị công nghệ” của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, giới chuyên môn tỏ ra quan ngại hơn cả về những bất đồng ngày càng lớn giữa Mỹ và châu Âu. Thậm chí, một số ý kiến cho rằng, quan hệ của “chú Sam” với các đồng minh lâu năm ở Lục địa già không những chưa thể hàn gắn thông qua MSC 2019 mà còn tiếp tục bị chia rẽ sâu sắc hơn. Trước khi đến Munich, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã chỉ trích Anh, Pháp, Đức phớt lờ các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran. Đáp lại, ở bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Đức A.Merkel đã “lên án” chính sách đối ngoại của Washington, đặc biệt là việc rút khỏi nhiều thỏa thuận quốc tế. Nhà lãnh đạo nước Đức cho rằng việc Mỹ đơn phương hành động trong nhiều hồ sơ có ảnh hưởng đến môi trường an ninh quốc tế mà không tham khảo ý kiến các đồng minh châu Âu là “tin xấu”. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đặt câu hỏi về quyết định của Mỹ rút quân khỏi Syria, kêu gọi các nước châu Âu tiếp tục đồn trú tại quốc gia Trung Đông này.
Thế nhưng, việc các khúc mắc được đề cập thẳng thắn và cởi mở được cho là đã mang lại thành công cho MSC 2019. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh thế giới đang ở giai đoạn có nhiều bất ổn và xuất hiện nhiều nhân tố mới làm phức tạp bức tranh an ninh toàn cầu. MSC 2019 một lần nữa đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc đem tới cơ hội để các quốc gia cùng đối thoại nhằm hướng tới việc xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng.