Đẩy mạnh cải cách, tăng giám sát hải quan
Kinh tế - Ngày đăng : 07:43, 19/02/2019
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, trong năm 2019, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát về hải quan; đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống thất thu ngân sách nhà nước.
Năm 2018, ngành Hải quan lần đầu tiên cán mốc thu ngân sách nhà nước 300.000 tỷ đồng. |
- Những kết quả khả quan mà ngành Hải quan đạt được trong năm 2018 đã tạo thuận lợi đáng kể cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Ông có thể khái quát đôi nét về những kết quả đó trong năm vừa qua?
- Năm 2018, ngành Hải quan đã nỗ lực và gặt hái được nhiều kết quả quan trọng trên các mặt công tác. Ngành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước với việc lần đầu tiên cán mốc thu 300.000 tỷ đồng, vượt cả chỉ tiêu dự toán và chỉ tiêu phấn đấu; đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác chống thất thu và thu hồi nợ thuế thông qua thực hiện đồng bộ công cụ quản lý như kiểm tra sau thông quan; thanh tra, kiểm tra, điều tra chống buôn lậu. Công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục được cải thiện. Toàn ngành đã triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động trên phạm vi cả nước và “phủ sóng” ở toàn bộ các địa bàn xuất nhập khẩu trọng điểm. Nhờ đó, thời gian thông quan hàng hóa được rút ngắn, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp về thời gian và giảm chi phí theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2018, toàn ngành đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 16.633 vụ vi phạm; trị giá hàng hóa vi phạm là 1.702,4 tỷ đồng (tăng 115,61%). Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là gần 351 tỷ đồng. Đặc biệt, toàn ngành tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính khi thi hành công vụ, đã ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm Quyết định 2799/QĐ-TCHQ về quy chế kiểm tra công vụ và xử lý vi phạm của công chức trong ngành Hải quan…
- Công tác hải quan luôn được xem là môi trường hoạt động nhạy cảm. Để chủ động phòng ngừa các hành vi gây phiền hà sách nhiễu, tiêu cực của công chức hải quan, ngành đã có những biện pháp gì?
- Tổng cục Hải quan xác định vấn đề con người, công tác cán bộ luôn là yếu tố quyết định trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Để công tác xây dựng lực lượng, công tác quản lý hải quan đi vào thực chất, tăng cường sự kết nối giữa hải quan các cấp, Tổng cục Hải quan đã ban hành nhiều quy định, quy chế về kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan và giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện của các đơn vị.
Với mục tiêu đấu tranh chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng, loại bỏ thái độ vô cảm, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, phục vụ người dân và doanh nghiệp, năm 2018 Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định 2799/QĐ-TCHQ về quy chế kiểm tra công vụ và xử lý vi phạm của công chức trong ngành Hải quan. Quy chế lần này có một số điểm mới đáng chú ý như định danh hơn 300 hành vi vi phạm, tương ứng với đó là các chế tài xử lý từ nhắc nhở, phê bình đến kỷ luật buộc thôi việc… Từ đó, tùy theo tính chất mức độ, đưa ra quy định chế tài xử lý đối với từng hành vi vi phạm tương ứng.
- Ông có thể chia sẻ những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Hải quan sẽ thực hiện trong năm 2019 nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu?
- Năm 2019 có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020 cũng như kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020. Để sớm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ do Chính phủ, Bộ Tài chính đặt ra, năm 2019 toàn ngành cần tiếp tục quán triệt mục tiêu cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch… nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, ngành sẽ tập trung thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan. Thứ hai, tập trung tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát về hải quan, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao và tiếp tục xử lý hiệu quả vấn đề nợ thuế; đẩy mạnh áp dụng công tác quản lý rủi ro… Thứ ba, đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, chống thất thu ngân sách; tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan…
- Để thực hiện một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Hải quan là đấu tranh chống buôn lậu, với vai trò của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, trong năm 2019 ngành Hải quan sẽ thực hiện những giải pháp nào để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này?
- Công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong công tác hải quan. Với nhiệm vụ “gác cửa nền kinh tế”, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị, nhất là lực lượng kiểm soát hải quan bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Tài chính… triển khai chủ động, quyết liệt, đồng bộ nhiều kế hoạch, chuyên đề đấu tranh, bắt giữ, xử lý hiệu quả các đối tượng vi phạm.
Đặc biệt, với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; đồng thời tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý; nâng cao năng lực của lực lượng chuyên trách chống buôn lậu; đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại; kiểm soát thường xuyên tại các địa bàn trọng điểm… qua đó góp phần thực hiện tốt vai trò “gác cửa nền kinh tế”.
- Trân trọng cảm ơn ông!