Thúc đẩy tiêu thụ nông sản: Lợi ích cho nhiều phía

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:41, 20/02/2019

(HNM) - Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại. Lợi ích được mang lại cho nhiều phía: Doanh nghiệp, hợp tác xã... nắm bắt được nhu cầu thị trường...


Hiệu quả rõ nét

Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) đang chăn nuôi 450 con lợn nái, khoảng 1.500 con lợn thương phẩm, trung bình mỗi năm cung cấp cho thị trường Hà Nội 800-1.000 tấn thịt lợn hơi. Ngoài ra, với dây chuyền giết mổ công suất 50 con lợn/ngày, trung bình mỗi ngày, chuỗi cung ứng thịt lợn với thương hiệu AZ của hợp tác xã cung cấp cho thị trường từ 5 đến 6 tấn thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long Nguyễn Trọng Long chia sẻ: "Có được thành công như hôm nay là nhờ các hoạt động xúc tiến thương mại do ngành Nông nghiệp Hà Nội tổ chức. Thông qua các hoạt động hội chợ, quảng bá, sản phẩm thịt lợn AZ của hợp tác xã đã đến được với nhiều người tiêu dùng Thủ đô và một số tỉnh lân cận".

Xúc tiến thương mại góp phần tạo đầu ra ổn định cho nông sản.


Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, sản phẩm nhãn chín muộn của Hà Nội cũng đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu. Theo Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Đỗ Huy Chiến, để quả nhãn chín muộn của địa phương đến được với người tiêu dùng trong và ngoài nước, huyện Quốc Oai đã tham gia nhiều hội chợ, quảng bá trên các trang thông tin, chợ điện tử nông sản do ngành Nông nghiệp Hà Nội tổ chức. Đến nay, huyện Quốc Oai đã có 6 sản phẩm nông nghiệp của các hợp tác xã được trao chứng nhận QRcode truy xuất nguồn gốc.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, nhờ thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản, đã có 350 sản phẩm của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước được đưa về thị trường Thủ đô tiêu thụ. Đặc biệt, có 105 doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố thường xuyên tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu tiêu thụ nông sản trên địa bàn TP Hà Nội và trên trang thông tin nông sản an toàn TP Hà Nội...

Sản xuất "bám" thị trường

Có thể nói, xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp trọng tâm để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững. Do vậy, những năm qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội rất chú trọng hoạt động này và triển khai khá hiệu quả, bảo đảm thiết thực, đa dạng. Nhưng, do nhiều nguyên nhân, như doanh nghiệp chưa mạnh dạn đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, công tác xúc tiến thương mại nông sản của Hà Nội vẫn còn một số hạn chế. Chẳng hạn, mặc dù Hà Nội đã phối hợp với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước kết nối tiêu thụ nông sản; đồng thời tổ chức nhiều đoàn công tác trao đổi kinh nghiệm quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm và tham quan một số mô hình sản xuất tiêu biểu... song số lượng sản phẩm rau, thịt cung cấp cho Thủ đô được quản lý thông qua thỏa thuận phối hợp với các địa phương còn khiêm tốn. Mặt khác, công tác tổng hợp cung cấp thông tin thị trường, sản lượng hàng hóa nông sản "vào, ra" giữa các tỉnh với Hà Nội và ngược lại còn gặp nhiều khó khăn. Hà Nội cũng chưa xây dựng được hệ thống logistics hoàn chỉnh để có thể lưu giữ sản phẩm của các tỉnh để bảo đảm giá cả ổn định.

Hà Nội là một thị trường lớn, đây là lợi thế trong việc giải quyết đầu ra cho nông sản. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp thành phố, hiện chỉ có sản phẩm thịt lợn, thịt gà sản xuất trên địa bàn Hà Nội cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Còn lại các mặt hàng như gạo, thịt bò, rau, củ, quả mới đáp ứng được một phần nên phải nhập từ các tỉnh, thành phố và nước ngoài.

Ông Chu Phú Mỹ cho biết, để thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại nông sản, ngành Nông nghiệp Hà Nội tập trung chỉ đạo sản xuất, cung ứng theo nhu cầu thị trường; đẩy mạnh phát triển các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, HACCP, sản xuất hữu cơ… Ngoài ra, ngành Nông nghiệp chuẩn hóa quy trình sản xuất cho các chuỗi để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đồng đều, đáp ứng các tiêu chí theo nhu cầu của người tiêu dùng. Thành phố cũng phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương hỗ trợ cung cấp thông tin, dự báo tình hình thị trường để doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất nắm bắt, chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thành phố cũng tiếp tục phát triển hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm bằng mã QRcode để thực hiện minh bạch thông tin điện tử cho các sản phẩm nông sản an toàn của Hà Nội và các tỉnh đưa về tiêu thụ tại thị trường Thủ đô. Cùng với đó là trưng bày, kết nối trên các sàn giao dịch thương mại điện tử cho các sản phẩm; tổ chức có hiệu quả hoạt động hỗ trợ, tiêu thụ nông sản của địa phương, tiến tới xuất khẩu hình thành kênh phân phối sản phẩm đạt chuẩn quốc tế...

Đỗ Minh