Chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:55, 20/02/2019
Hiện nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn TP Hà Nội cơ bản ổn định, không có ổ dịch truyền nhiễm nguy hiểm như: Tai xanh ở lợn, cúm gia cầm... Các bệnh thông thường như: Phó thương hàn, tụ huyết trùng, đóng dấu ở lợn, dịch tả vịt... chỉ xảy ra lẻ tẻ, tỷ lệ ốm thấp, tỷ lệ chữa khỏi cao. Nhưng với hình thái thời tiết nắng, mưa thất thường như hiện nay, theo nhận định, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là rất cao.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, lo ngại nhất là nguy cơ các mầm bệnh H5N1, H7N9, dịch tả lợn châu Phi... lây nhiễm vào Việt Nam rất cao. Bởi hiện nay, dịch cúm gia cầm đang xuất hiện tại 31 nước, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở 21 nước trên thế giới. Ngay tại nước láng giềng Trung Quốc, đã có 105 ổ dịch xuất hiện ở 25 tỉnh.
Để bảo vệ đàn vật nuôi, chính quyền các địa phương và người chăn nuôi trên địa bàn thành phố đã vào cuộc quyết liệt, chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Ông Đào Văn Thanh, thôn Đá Chông, xã Minh Quang (huyện Ba Vì) cho hay: “Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình tôi đang nuôi 250 con lợn nái và 400 con lợn thương phẩm. Đàn lợn được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật rất khắt khe để đạt chất lượng lợn giống tốt nhất và thịt lợn thương phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi con lợn ngay từ khi bắt đầu nuôi đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để phòng bệnh. Hằng tuần, gia đình tôi còn phun khử trùng toàn bộ khu chuồng trại để bảo đảm luôn được giữ vệ sinh, sạch mầm bệnh...”.
Tại huyện Mỹ Đức, ngoài tuyên truyền, tập huấn, giám sát, địa phương này đã kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có chăn nuôi gia súc, gia cầm không thực hiện tiêm phòng theo quy định. Ông Nguyễn Hải Hồng, Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, ngay sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán năm nay, cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương của huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phòng, chống dịch bệnh, siết chặt buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, ngoài khuyến cáo người dân, trước khi tái đàn nhập giống vật nuôi, cần kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ, không nhập con giống không rõ nguồn gốc hay con giống ở vùng có dịch để đề phòng lây lan mầm bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 04/KH-CNTY, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố năm 2019. Theo đó, bên cạnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, Chi cục kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có chăn nuôi gia súc, gia cầm không thực hiện tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi theo quy định...
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã thực hiện phân vùng nguy cơ cấp huyện để có cơ sở xây dựng các biện pháp và bố trí các nguồn lực tổ chức các hoạt động kiểm soát, phòng, chống bệnh cúm gia cầm phù hợp với đặc điểm dịch bệnh và tình hình thực tế tại các địa phương. Đối với dịch lở mồm, long móng, Sở NN&PTNT đã triển khai thực hiện việc giám sát sau tiêm phòng vắc xin theo Chương trình quốc gia Phòng, chống bệnh lở mồm long móng và xác định týp vi rút lở mồm long móng lưu hành và chủng loại vắc xin phù hợp, xây dựng bản đồ dịch tễ để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.