Từ “Thăng Long phi chiến địa” đến “Thành phố vì hòa bình”
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:15, 21/02/2019
1. Trong lịch sử ngoại giao thế giới, việc chọn địa điểm tổ chức đàm phán có ý nghĩa hết sức quan trọng; thậm chí, quyết định sự thành - bại của chính vấn đề cần đàm phán. Xét riêng trong lịch sử ngoại giao hiện đại có liên quan tới Việt Nam ta, những cuộc đàm phán lớn, có ý nghĩa quyết định... đều diễn ra ở một nước thứ 3.
Ngày 26-4-1954, hội nghị bàn về vấn đề khôi phục hòa bình ở Triều Tiên và Đông Dương chính thức khai mạc tại Genève (Thụy Sĩ). Từ ngày 8-5-1954, vấn đề hòa bình Đông Dương được đưa ra thảo luận mà trước đó một ngày, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ oai hùng. Hiệp định Genève được ký tại hội nghị này dẫn đến chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương, nhưng đất nước ta bị chia cắt tạm thời bởi vĩ tuyến 17.
Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân ta tiếp tục cuộc kháng chiến nhằm thống nhất đất nước, “thu giang sơn về một mối”. Tinh thần quật cường, ý chí quyết tâm ấy đưa đến Hội nghị Paris (Pháp) để đến ngày 27-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký. Hai năm sau đó, ngày 30-4-1975, đất nước ta giành được thống nhất và độc lập, liền một dải từ Mục Nam Quan tới Mũi Cà Mau.
2. Năm 2019 này, lịch sử chính trị ngoại giao thế giới và Việt Nam ghi thêm một dấu mốc đặc biệt nữa. Được chọn là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, cụm từ “Hà Nội - Việt Nam” được nói đến với những hàm nghĩa phong phú hơn.
Trước hết, Việt Nam đã không còn chiến tranh và Hà Nội không còn là một “tọa độ lửa” đầy khốc liệt. Có quan hệ ngoại giao với 188/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực; thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 16 nước, Đối tác toàn diện với 11 nước… Việt Nam đã chủ động, tích cực chung tay tham gia các công việc lớn của quốc tế; thậm chí “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung” tại các diễn đàn quan trọng, thực sự là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trên cả ba cấp độ song phương, khu vực và toàn cầu, thể hiện sâu sắc tinh thần “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Còn Hà Nội, dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,1% về dân số, song đóng góp trên 16% GDP của Việt Nam, có thu nhập bình quân đầu người đạt 116 triệu đồng, tương đương 5.050 USD/năm, thật sự xứng đáng là một Thủ đô hòa bình của nước Việt Nam độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ... Thủ đô Hà Nội cũng rất có kinh nghiệm và rất thành công khi tổ chức các sự kiện quốc tế lớn trong một không gian xanh - sạch - đẹp, an toàn và thân thiện.
Hơn nữa, là nơi diễn ra những bàn thảo cấp thượng đỉnh liên quan đến tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trở thành nơi kiến tạo cho hòa bình, trực tiếp đóng góp vào tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Là một trong số rất ít các quốc gia trên thế giới có mối quan hệ hữu nghị thân thiện và tin cậy với cả Mỹ và Triều Tiên, Việt Nam đang nêu một ví dụ sinh động về đổi mới thành công và toàn diện, tích cực hòa nhập với cộng đồng thế giới, mong muốn đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng hòa bình, hợp tác và thịnh vượng lâu dài cho khu vực và thế giới.
Việc Hoa Kỳ và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cùng đồng ý chọn Hà Nội - Việt Nam làm nơi gặp thượng đỉnh lần 2 không chỉ bởi đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi riêng của các quốc gia này mà còn phản ánh mức độ tin cậy rất cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, với Hà Nội về năng lực, bản lĩnh gánh vác trách nhiệm chung.
3. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 là một sự kiện ngoại giao đặc biệt ở tầm mức toàn cầu, khẳng định vị thế của Hà Nội và Việt Nam trên toàn thế giới. Việt Nam và Thủ đô Hà Nội tự hào khi được tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần hai giữa Chủ tịch Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Xưa, đức Lý Thái Tổ chọn Thăng Long - Hà Nội làm nơi định đô đã từng minh định “xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa”. Nhiều đời cha ông ta cũng khao khát có một “Thăng Long phi chiến địa”. Là biểu tượng của khao khát hòa bình, của niềm tin chính nghĩa, Thăng Long - Hà Nội nay bừng sắc đào nồng thắm, mừng vui đón khách phương xa đến cùng ngồi lại với nhau để bàn bạc, cởi bỏ gút mắc, nói lời hòa giải, dẹp bỏ binh đao, trừ họa chiến tranh, cùng xây dựng niềm tin cho một tương lai mới tốt đẹp.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai diễn ra vào đúng dịp 20 năm Hà Nội nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" do UNESCO trao tặng. Trước thềm sự kiện này, chúng ta càng nhớ lại lời Bác Hồ nhắn nhủ: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta…”.
Các cơ quan hữu quan của đất nước và TP Hà Nội đã và đang khẩn trương tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết; mỗi người dân Thủ đô, bằng thái độ và ý thức trách nhiệm của mình, ủng hộ và góp sức bảo đảm tốt trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, giữ gìn trật tự công cộng, vệ sinh môi trường cảnh quan... bảo đảm cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này thành công tốt đẹp, tiếp tục ghi thêm một dấu ấn không thể nào quên về một đất nước Việt Nam, một Thủ đô Hà Nội yêu chuộng hòa bình với hàng nghìn năm lịch sử và văn hóa, an toàn và an ninh, thân thiện, mến khách và thực sự đáng tin cậy của mọi quốc gia trên thế giới...