Xử lý tình trạng đổ rác thải không đúng giờ, nơi quy định: Khó cũng phải làm

Bạn đọc - Ngày đăng : 07:25, 21/02/2019

(HNM) - Mặc dù Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định mức phạt lên đến 7 triệu đồng đối với cá nhân, nhưng nhiều người vẫn cố tình vi phạm.

Công nhân vệ sinh môi trường vất vả thu gom rác thải đổ trên phố Khâm Thiên (ảnh chụp trưa 19-2-2019).


Xả rác còn tùy tiện

Theo quy định, giờ thu gom rác thải diễn ra từ 17h đến 22h hằng ngày. Song khảo sát của phóng viên cho thấy, rác xuất hiện trên đường phố bất kể ngày, đêm. Tại quận Cầu Giấy, 10h ngày 18-2, đầu phố Trần Quốc Vượng giao với đường Phạm Hùng, bàn ghế, giường hỏng vứt chỏng chơ trên vỉa hè. Gần đó, đoạn đầu ngõ 107 Trần Quốc Vượng giáp phố Đồng Bông, rác thải sinh hoạt và nhiều vật dụng hỏng được các hộ dân để ngay dưới chân cột điện. Gốc cây vỉa hè khu tập thể B1 Nghĩa Tân trở thành nơi chứa những bọc rác, đào héo và bàn, ghế, đệm hỏng...

Trên phố Nguyễn Công Hoan, quận Ba Đình (đoạn cây xăng), 14h30 ngày 18-2, rác thải vứt vương vãi khiến tuyến phố trở nên nhếch nhác. Dọc đường Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển (Thanh Trì) rác còn được treo trên cây, cài trên rào chắn hành lang đường sắt... Thậm chí trước ngõ 147, phố Tân Mai, phường Tân Mai (Hoàng Mai) rác chất đống ngay biển cấm đổ rác.

Chị Đặng Thị Huệ, công nhân Xí nghiệp 4, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết: "Tình trạng người dân đổ rác không đúng giờ, nơi quy định diễn ra thường xuyên dọc tuyến phố Khâm Thiên. Nhiều lúc chúng tôi vừa dọn xong, quay lại đã thấy rác vứt ra đường. Khi bị góp ý, không ít người phản ứng cho rằng đó là việc của nhân viên vệ sinh...".

Cần có cách làm phù hợp

Từ nhiều năm nay, các đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn Hà Nội đều quy định địa điểm để rác, giờ thu gom rác thải, nhưng nhiều nơi người dân vẫn tùy tiện vứt rác bừa bãi. Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phòng Kinh doanh và Truyền thông URENCO, từ năm 2016, đơn vị đã tiến hành thu rác theo giờ tại 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, vận động người dân bỏ rác đúng giờ (19h-22h hằng ngày); đúng nơi quy định (bỏ trực tiếp rác vào xe thu gom của công ty hoặc bỏ rác vào thùng rác cố định). Tại quận Hà Đông, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hà Đông cũng quy định thời gian thu gom rác từ 18h đến 22h hằng ngày... song thực tế vẫn còn nhiều hộ dân không chấp hành. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, URENCO đã tuyên truyền, vận động tới từng hộ dân về việc thực hiện đúng giờ đổ rác, vứt rác đúng nơi quy định. Tuy nhiên, 2 năm qua, ý thức người dân vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Vì vậy, rất cần sự tham gia mạnh mẽ của chính quyền, các tổ chức, đoàn thể nhằm tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm.

Ngày 18-11-2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, hành vi vứt, thải rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị, hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng. Thẩm quyền xử phạt là UBND các cấp; cảnh sát môi trường, thanh tra môi trường; công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan.

Chế tài đã có, thẩm quyền đã rõ, song việc xử phạt chưa được chính quyền các cấp thực hiện nghiêm nên vi phạm diễn ra tràn lan. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ (Hoàn Kiếm) cho biết: Việc xử lý các hộ dân đổ rác không đúng giờ gặp rất nhiều khó khăn. Có trường hợp bị bắt quả tang, lập biên bản nhưng người vi phạm không nộp phạt; đại diện UBND phường đến tận nhà yêu cầu nộp phạt thì chủ nhà cho biết người vi phạm là người giúp việc đã về quê. Hay để có bằng chứng xử phạt phải ghi lại được hình ảnh, trong khi hành vi vi phạm diễn ra nhanh nên việc ghi hình không dễ.

Ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cũng nêu khó khăn như lực lượng chức năng mỏng, thiết bị phục vụ việc thu thập chứng cứ, xử lý vi phạm thiếu nên việc xử lý không đơn giản.

Nhằm khắc phục tình trạng đổ rác không đúng nơi quy định, Sở Xây dựng và một số quận trên địa bàn thành phố đã ứng dụng mạng xã hội Zalo để quản lý công tác vệ sinh môi trường. Qua kênh này, đơn vị quản lý đã cập nhật được thông tin phản ánh của người dân, theo dõi và trực tiếp chỉ đạo, tiếp nhận kết quả xử lý từ các đơn vị có trách nhiệm liên quan... Tuy không thể ngăn chặn được ngay tình trạng đổ rác bừa bãi, không đúng giờ quy định, nhưng bước đầu đã có kết quả nhất định khi góp phần nâng cao ý thức của người dân, của cộng đồng trong việc giữ vệ sinh môi trường.

Những bất cập trong việc xử lý người có hành vi vứt rác bừa bãi đã rõ, điều cần thiết là phải có giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền cần xử phạt nghiêm hành vi vi phạm và các cơ quan, đơn vị liên quan cũng cần tăng trách nhiệm quản lý, điều hành. Đặc biệt cần xây dựng cơ chế huy động vai trò của người dân, cộng đồng tham gia phát hiện, ghi hình, tố giác các đối tượng xả rác nơi công cộng, để Hà Nội thực sự là thành phố sạch đẹp, văn minh.

Nhóm PV Ban Bạn đọc