Chủ động phòng ngừa, sẵn sàng chống dịch
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:21, 21/02/2019
- Ông nhận định thế nào về tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi?
- Bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan rất nhanh từ nơi này sang nơi khác. Hiện nay đã xuất hiện 8 ổ dịch tại 2 tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Nguy cơ bệnh dịch này xâm nhiễm vào Hà Nội rất cao thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn; hoạt động vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến cũng có thể chứa vi rút dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra, bệnh dịch có thể lây lan thông qua vật chủ trung gian như chim di cư tiếp xúc với lợn chết chứa mầm bệnh; các hoạt động thương mại, du lịch của người dân khu vực đã và đang có dịch bệnh...
- Vậy, TP Hà Nội có những giải pháp ứng phó nào, thưa ông?
- Nếu không kiểm soát tốt, thì hoạt động chăn nuôi lợn trên địa bàn thành phố có thể bị thiệt hại rất lớn khi xảy ra dịch bệnh. Ngay khi có thông tin bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại các tỉnh thuộc Trung Quốc sát biên giới Việt Nam, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch này. Theo đó, các cấp, các ngành luôn trong thế chủ động sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Thành phố đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các quận, huyện, thị xã. Các cơ quan chuyên môn thường xuyên có mặt tại cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh. Các quận, huyện, thị xã đều ban hành kế hoạch chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Từ trước Tết Nguyên đán 2019, trên địa bàn thành phố đã thực hiện 2 đợt tổng tẩy uế môi trường để ngăn chặn dịch bệnh; đồng thời, tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin, tạo miễn dịch chủ động chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn thành phố đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhập lợn từ các địa phương, đặc biệt, tại cơ sở giết mổ quy mô lớn thuộc các huyện: Thanh Trì, Chương Mỹ, Mê Linh... Mặt khác, cơ quan chức năng duy trì hoạt động liên tục tại các chốt kiểm dịch động vật đầu mối giao thông nhằm ngăn chặn lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc...
- Trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, ông khuyến cáo gì với người chăn nuôi và người tiêu dùng?
- Trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, người chăn nuôi tuyệt đối không được đưa lợn bệnh ra ngoài vùng dịch; không mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các loại sản phẩm thịt lợn bệnh; không mua con giống không rõ nguồn gốc, không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt chín; không cho thương lái, phương tiện vận chuyển vào khu chuồng nuôi vì có thể mang mầm bệnh từ nơi khác vào. Khi phát hiện lợn bệnh, lợn nghi bệnh, người chăn nuôi không bán lợn bệnh, không giết mổ, không vứt xác lợn chết ra môi trường vì sẽ làm lây lan rất nhanh... Người dân đặc biệt cần chú ý, không điều trị lợn mắc bệnh vì đến thời điểm này, bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.
Về phía chính quyền các địa phương, trong trường hợp xảy ra bệnh dịch, cần có biện pháp hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc bệnh nhằm giúp người chăn nuôi kịp thời tái đàn, yên tâm sản xuất... Người dân không nên quá hoang mang mà cần chủ động thực hiện ngay các giải pháp phòng bệnh, chăn nuôi theo hướng sinh học gắn với xây dựng liên kết chuỗi từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Rất may, dịch bệnh này không lây lan từ động vật sang người nên không đáng ngại.
- Trân trọng cảm ơn ông!