Bài cuối: Nâng nhận thức, tăng trách nhiệm
Chính trị - Ngày đăng : 06:51, 21/02/2019
Sự ủng hộ tích cực của TP Hà Nội đã tạo thuận lợi cho các cơ quan báo chí thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền. Ảnh: Thái Hiền |
Chưa đáp ứng được yêu cầu
Cách đây ít ngày, Kênh Truyền hình Quốc hội vừa phát phóng sự phản ánh người dân 2 xã Phùng Xá và Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất trong khu dân cư trên địa bàn. Nhưng nội dung gây chú ý là sự né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Không chỉ vậy, ngay trong tháng 1-2019, sự né tránh báo chí của cán bộ xã Đông Dư, huyện Gia Lâm cũng đã trở thành chủ đề nổi bật của bài báo phản ánh về việc tranh chấp lối đi của người dân trên địa bàn...
Dẫn chứng trên cho thấy, trong khi về cơ bản các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt, vẫn còn có cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nhận thức sâu sắc ý nghĩa của Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin mà UBND thành phố đã ban hành để chủ động, trách nhiệm trong cung cấp thông tin và trả lời báo chí.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bên cạnh việc đánh giá cao sự cởi mở của lãnh đạo thành phố, những chuyển biến chung tích cực trong cung cấp thông tin và trả lời báo chí thời gian qua, nhiều phóng viên vẫn than phiền về sự né tránh của nhiều cơ quan, đơn vị khi có sự việc xảy ra.
Phóng viên Quang Phong (Báo Dân trí) cho biết, đi tìm câu trả lời vì sao kết luận thanh tra vi phạm đất rừng Sóc Sơn không công bố trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, dù đã hỏi cả phía huyện Sóc Sơn và Thanh tra thành phố nhưng nhà báo đều không nhận được câu trả lời. Không tìm được câu trả lời ở cấp dưới, phóng viên đã phỏng vấn Chủ tịch UBND thành phố thì nhận được câu trả lời cụ thể...
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá, còn thực trạng lúng túng, chưa nắm rõ quy định khi làm việc, cung cấp thông tin và trả lời báo chí. Một số đơn vị chưa chủ động nội dung thông tin, tuyên truyền trên báo chí; chưa kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí về các vụ việc nóng trên địa bàn.
Trong tham luận tại hội thảo khoa học “Vai trò của truyền thông đối với TP Hà Nội trong bối cảnh xã hội thông tin” mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, thành phố không “ngăn sông, cấm chợ” báo chí tiếp cận thông tin. Nhưng thực tế có một số cán bộ ngại va chạm, ngại trả lời, tiếp xúc với báo chí. Thậm chí, có một số cán bộ không biết trả lời, mỗi khi tiếp xúc với báo chí rất lúng túng. Nhiều thông tin các đơn vị của thành phố chưa chủ động cung cấp cho báo chí, hoặc đưa ra còn chậm. Thậm chí có những vụ việc cung cấp thông tin chỉ mang tính chất “chữa cháy”.
Cần “cú hích” nhận thức và trách nhiệm
Những hạn chế tồn tại trong thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU chủ yếu do nhận thức và trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương có liên quan. Trên thực tế, không thiếu những cách làm hay, mô hình tốt để vận dụng. Đơn cử tại quận Long Biên, theo Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Nguyễn Thế Thạch, lãnh đạo quận quán triệt tinh thần chung thông tin công khai, cởi mở, dân chủ, phải chủ động thông tin nhanh, đi trước.
Các Quận ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy được phân công phụ trách địa bàn chịu trách nhiệm toàn diện những vấn đề nảy sinh, bao gồm cả các giải pháp truyền thông. Hiệu quả giải quyết vấn đề là thước đo năng lực của từng cán bộ và được đánh giá xếp loại hằng tháng. Quận còn mở lớp tập huấn cho các bí thư đảng ủy phường về cung cấp thông tin và trả lời báo chí.
Các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm thường xuyên chủ động tổ chức họp báo, thông tin trước các công việc phức tạp như giải phóng mặt bằng, xử lý trật tự xây dựng. Nhờ đó, địa phương đã tranh thủ được sự đồng hành của báo chí, tạo đồng thuận trong nhân dân đối với các chủ trương của địa phương.
Góp ý nhằm tăng cường hiệu quả trong việc cung cấp thông tin và trả lời báo chí, các nhà báo, phóng viên đề xuất nhiều giải pháp đáng chú ý. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, cần có "cú hích" về nhận thức để lãnh đạo từ thành phố đến cơ sở phải luôn coi báo chí như lực lượng cần thiết, quan trọng và tin cậy. Thành phố cần hình thành cơ chế thông tin đáp ứng các tiêu chí kịp thời, chính xác, có định hướng.
Vụ trưởng Vụ Hồ sơ sự kiện (Tạp chí Cộng sản) Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh, trách nhiệm cung cấp thông tin và trả lời báo chí đã được quy định rõ ràng, đầy đủ. Vấn đề là người có quyền phát ngôn cần cầu thị, hợp tác, có trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin một cách kịp thời, đầy đủ, đúng bản chất cho báo chí, để sự việc có thể được hiểu đúng, đủ dẫn đến giải quyết kịp thời, thỏa đáng, thấu tình đạt lý. Nếu người cung cấp thông tin không làm tròn trách nhiệm, thành phố phải xử lý nghiêm túc, kịp thời.
Phóng viên Nguyễn Thị Hồng Nhung (Đài Tiếng nói Việt Nam) cũng đề xuất, thành phố cần quy định trách nhiệm trả lời báo chí là một nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu.
Quan điểm nhất quán của lãnh đạo thành phố từ trước đến nay là luôn trân trọng vai trò của báo chí. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu rõ: “Sự đồng hành của các cơ quan báo chí với thành phố trên các mặt công tác, nhất là cùng xây dựng niềm tin, nhân lên giá trị đồng thuận trong xã hội là điều kiện tiên quyết để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, xây dựng Thủ đô hòa bình, văn minh, hiện đại, xứng đáng là trái tim của cả nước”.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, trực tiếp của lãnh đạo thành phố, những hạn chế còn tồn tại trong thực hiện cung cấp thông tin và trả lời báo chí chắc chắn sẽ sớm được khắc phục, để việc thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU ngày càng hiệu quả.