TP Hồ Chí Minh: Đồng bộ hóa kết nối hạ tầng giao thông
Giao thông - Ngày đăng : 07:48, 22/02/2019
Năm 2019, TP Hồ Chí Minh phấn đấu hoàn thành nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tạo sự liên kết đồng bộ. |
Triển khai hàng loạt dự án
Trong năm 2018, mặc dù ngành Giao thông TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều giải pháp nhưng chỉ xóa được 8/17 điểm đen tai nạn giao thông, phát sinh mới 7 điểm đen cần xử lý trong năm 2019. Trên địa bàn thành phố còn 28 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông. Trong khi đó, số lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh khiến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Cụ thể, số lượng phương tiện đăng ký mới tiếp tục tăng (xe ô tô tăng 12,95%) so với cùng kỳ năm 2017. Tính đến hết năm 2018, thành phố quản lý hơn 8,6 triệu phương tiện, gồm hơn 760 nghìn xe ô tô và gần 7,9 triệu xe mô tô.
Anh Lâm Hữu Hóa (ngụ tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cho biết, nếu như năm 2018 đoạn ngã 6 Gò Vấp gần như kẹt xe hằng ngày thì đầu năm 2019 với việc thông 2 nhánh cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, khu vực này trở nên thông thoáng, ùn tắc tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất cũng được giải tỏa.
Nhằm thực hiện thắng lợi chương trình đột phá giảm ùn tắc giao thông của TP Hồ Chí Minh, năm 2019, Sở Giao thông - Vận tải cam kết đẩy nhanh kế hoạch thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm. Cụ thể, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án như: Nhánh N2 thuộc dự án xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương (quận 12); nút giao thông Đại học Quốc gia (hướng TP Hồ Chí Minh đi Đồng Nai); xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 (quận 2); nâng cấp, mở rộng cầu Chữ Y và cầu Kênh Tẻ (quận 4 và quận 7); xây dựng cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè); mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9)...
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý và Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2019, ngành Giao thông thành phố phấn đấu khởi công 27 dự án như: Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh); mở rộng đường Đồng Văn Cống (quận 2); mở rộng đường Cộng Hòa đoạn từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long; nâng cấp mở rộng mặt đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình); nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh (quận 7)...
Tăng cường kết nối giao thông vùng
Thời gian tới, ngành Giao thông TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh xây dựng, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt đô thị, trở thành đầu mối giao thông trong vùng, kết nối với khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó là phối hợp với chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công các dự án giao thông có khối lượng vận tải lớn như: Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong quá trình điều phối, kiểm soát các công trình giao thông; ưu tiên tập trung đầu tư phát triển các tuyến đường thủy kết nối trên sông Sài Gòn, Đồng Nai.
TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung đôn đốc triển khai các công trình trọng điểm mang tính cấp bách trong việc kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; ưu tiên tập trung đối với một số nút giao trọng điểm, các dự án để khép kín Vành đai 2, các tuyến đường cửa ngõ. Năm 2019, thành phố phấn đấu hoàn thành 24 dự án hạ tầng giao thông như: Nút giao Mỹ Thủy; hầm chui An Sương; cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp); đường nối từ đường Nguyễn Văn Hưởng đến xa lộ Hà Nội…
Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, để hiện thực hóa mục tiêu trên, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung triển khai đồng bộ giải pháp nhằm xóa các điểm ùn tắc; rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; rà soát, kiến nghị chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư; tăng cường kết nối giao thông vùng. Đồng thời, quyết liệt thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án; ban hành quy định thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo quy mô dự án; quy định trách nhiệm cụ thể người đứng đầu của các bên liên quan trong trường hợp chậm giải phóng mặt bằng, chậm di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án chính.
TP Hồ Chí Minh cũng sẽ đề xuất với Trung ương về cơ chế ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP), vào các lĩnh vực như giao thông ngầm, trên cao, các bãi đỗ xe ngầm theo hướng hiện đại văn minh, tạo ra mạng lưới giao thông kết nối đồng bộ.
Năm 2019, ngành Giao thông TP Hồ Chí Minh phấn đấu làm mới, đưa vào sử dụng 75km đường bộ và 17 cây cầu; mật độ đường giao thông đạt 2,14km/km²; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 10,01% đất xây dựng đô thị; kìm hãm và giảm dần số vụ ùn tắc giao thông... |