Tập trung kiềm chế lạm phát
Kinh tế - Ngày đăng : 08:35, 22/02/2019
Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đòi hỏi sự quyết tâm cao và sự chủ động trong công tác điều hành, nhất là trước tình hình thị trường quốc tế và trong nước vẫn ẩn chứa không ít phức tạp; khi mục tiêu chung kiềm chế lạm phát cả năm ở mức dưới 4%.
Kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm kế hoạch 2019. |
CPI tăng nhẹ nhờ cân đối cung - cầu
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 1 tăng 0,1% so với tháng trước, là mức tăng thấp. Có được kết quả này là nhờ sự điều hành linh hoạt của các ngành chức năng, các cấp có thẩm quyền, trong đó tập trung kiểm soát thị trường, bảo đảm lưu thông hàng hóa và thực hiện tốt công tác quản lý thị trường. Xét về thị trường, lượng hàng chuẩn bị phục vụ dịp Tết khá dồi dào, bảo đảm cân đối cung - cầu, nên mức tăng giá của phần lớn các nhóm hàng đều ở mức thấp, trong khi hai nhóm gồm giao thông lại giảm giá (do giảm giá xăng dầu) và bưu chính - viễn thông do cạnh tranh giảm giá dịch vụ giữa các hãng cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên, kết quả nói trên mới chỉ là bước đầu, bởi vẫn còn hơn 10 tháng ở phía trước, đòi hỏi sự chủ động kiềm chế đà tăng giá qua từng tháng, từng quý. Theo ông Lê Huy Khôi, Trưởng ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường (Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công Thương), mục tiêu kiềm chế lạm phát vẫn sẽ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm kế hoạch 2019, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ và theo dõi sát sao từ các cấp điều hành. Song, cần thống nhất một nguyên tắc rằng, nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng (GDP) càng cao thì áp lực lạm phát càng lớn. Vì vậy, làm sao để dung hòa được hai mục tiêu này, đáp ứng khả năng tăng trưởng nhanh, nhưng vẫn có thể giữ lạm phát ở mức hợp lý (không quá 4%) là không dễ, cần đến sự tỉnh táo, linh hoạt của các cấp điều hành, sự vào cuộc kịp thời, phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng. Dự báo, việc kiềm chế lạm phát năm nay có thể sẽ khó khăn hơn so với năm ngoái cũng như là thách thức đối với cấp điều hành vĩ mô.
Về phía người tiêu dùng, có thể thấy sức mua đang ổn định và tâm lý an tâm trong hoạt động mua sắm. Chị Đinh Thúy Lan (ở tổ 31, phường Mai Động, quận Hoàng Mai) cho biết, tình hình giá cả sinh hoạt, nhất là các loại nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu gia đình thường ngày nhìn chung ổn định, giá bán ít thay đổi. Nếu tăng thì chỉ tăng nhẹ, nên “vừa túi” người tiêu dùng. Mặt bằng thu nhập không thay đổi, sức mua cũng tương ứng, vì thế không thể biến động nhiều. Ngoài ra, do nguồn cung, nhất là khả năng cung ứng các loại lương thực, rau xanh và thực phẩm luôn trong tình trạng dồi dào càng tạo điều kiện cho sự bình ổn giá trên thị trường.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Trong một diễn biến mới, ở kỳ điều chỉnh giá xăng dầu mới đây, liên bộ Công Thương - Tài chính đã chủ động sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhằm giữ nguyên giá bán lẻ trên thị trường trong bối cảnh giá nhiên liệu trên thị trường thế giới tăng. Đây là biện pháp phù hợp, kịp thời để chặn đà tăng giá tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, việc chủ động sử dụng quỹ nói trên là rất cần thiết, cách làm đúng, bởi đáp ứng được yêu cầu bảo đảm đời sống dân sinh, kiềm chế mức tăng CPI cũng như phù hợp với vai trò, mục tiêu hoạt động của quỹ.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng còn lo ngại về khả năng bất ổn, diễn biến phức tạp trên thị trường quốc tế và từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình trong nước. Đặc biệt, giá dầu thô sẽ là yếu tố “đỏng đảnh” và phụ thuộc vào các yếu tố chính trị, quan hệ giữa các nước lớn cũng như mục đích, sản lượng khai thác tại các quốc gia cụ thể. "Có một thực tế đáng quan tâm theo dõi là giá dầu thô đang trong chu kỳ tăng liên tục, hiện đã vượt mức 66 USD/thùng. Rõ ràng, nếu đà tăng này tiếp diễn thì sẽ là nguy cơ dẫn đến việc tăng giá bán trên thị trường trong nước; từ đó sẽ kích đẩy nhóm hàng giao thông tăng theo và ảnh hưởng đến CPI của các tháng. Giá dầu luôn là ẩn số và có thể diễn biến đột ngột cũng như rất khó dự báo" - ông Khôi nhận xét.
Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý, đã manh nha xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Thái Bình và Hưng Yên. Đây là yếu tố bất ngờ, gây bất lợi cho hoạt động chăn nuôi cũng như nguy cơ trực tiếp có thể gây hại cho đàn lợn ở các địa bàn khác. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, địa phương và hành động quyết liệt để chặn đứng dịch này, hậu quả sẽ khó đoán trước. Từ đó đẩy giá thịt lợn, các loại thực phẩm chế biến tăng nhanh, tạo ra hiệu ứng đẩy CPI tăng lên.
Theo Bộ Công Thương, Bộ sẽ tăng cường hoạt động quản lý thị trường, tập trung phát hiện, triệt phá các đường dây buôn lậu, cũng như sản xuất và tiêu thụ hàng giả để bảo vệ sản xuất và tiêu dùng trong nước. Hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng được khuyến khích, nhất là theo hướng chuỗi sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước, bảo đảm quan hệ cung - cầu góp phần bình ổn giá nói chung... Cùng với đó, Bộ Công Thương, chính quyền các địa phương cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp thị, xây dựng thương hiệu, cũng như tăng cường bảo vệ sản xuất, thúc đẩy phân phối và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tồn trữ, lưu thông hàng hóa... Tất cả những giải pháp đó nhằm giữ được giá cả hàng hóa ở mức hợp lý; qua đó bảo vệ được cả nhà sản xuất và người tiêu dùng...