Thủ tướng dự diễn đàn về công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản
Kinh tế - Ngày đăng : 10:42, 22/02/2019
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Về phía TP Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo diễn đàn. |
Tham dự diễn đàn còn có khoảng 600 đại biểu đại diện các bộ, ngành trung ương, địa phương và một số đại sứ quán, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội và hơn 300 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt 9,382 tỷ USD, chiếm hơn 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị xuất siêu đạt hơn 7,1 tỷ USD. Việt Nam đang trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản ngày càng được mở rộng, đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các mặt hàng đáp ứng thị hiếu phong phú của người tiêu dùng, chủ yếu là đồ gỗ nội thất chất lượng cao, sản phẩm đồ gỗ ngoại thất.
Đáng lưu ý, năm 2018, sản lượng gỗ khai thác nội địa đạt 28,45 triệu m3, tăng 6% so với năm trước. Gỗ nhập khẩu chỉ khoảng 10 triệu m3 quy tròn. Chất lượng nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng từng bước được nâng lên, liên kết chuỗi từ công tác chọn tạo giống, trồng, chăm sóc và quản lý, bảo vệ rừng để trồng gỗ lớn khoảng 290 nghìn ha. Kinh tế lâm nghiệp tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, không chỉ mang lại sinh kế cho hơn 25 triệu hộ dân mà còn khẳng định vị thế là ngành kinh tế xanh, mang nhiều ngoại tệ cho đất nước.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2019, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đề ra mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng thêm từ 1,5 đến 1,7 tỷ USD so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu đạt từ 10,8 đến 11 tỷ USD. Về sản phẩm đồ gỗ đạt 7,6 đến 7,8 tỷ USD; sản phẩm lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 0,6 tỷ USD... Về thị trường, ngành chú trọng duy trì và tăng trưởng tại 5 thị trường đang có giá trị xuất khẩu cao, gồm: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc; đồng thời, mở rộng thị phần tại một số thị trường tiềm năng khu vực Nam Mỹ, Nga, Australia, Canada, Ấn Độ...
Đưa Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất, chế biến và xuất khẩu đồ gỗ
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những thành quả mà ngành lâm nghiệp đạt được. Việt Nam đã đứng đầu ASEAN, thứ nhì châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ. Một số sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam có mẫu mã tốt, được thị trường kỹ tính chấp nhận. Đây là trí tuệ, giá trị gia tăng, rất quan trọng. Cùng với đó, việc chuyển giao công nghệ từ các viện, trường, các nhà nghiên cứu đến với sản xuất, thị trường xuất khẩu bước đầu đạt kết quả tốt. Đặc biệt, sản phẩm xuất khẩu, gỗ tiêu dùng ở Việt Nam phần lớn là rừng trồng, từ đó, hạn chế gỗ nhập khẩu và nghiêm cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên. So với năm 2005, kim ngạch xuất khẩu đã tăng 900% - mức tăng mà không phải ngành nào cũng đạt được.
Bên cạnh những thành công, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam là nước nông nghiệp nhiệt đới, “tam sơn tứ hải”, mới chiếm 6% thị phần thế giới thì là mức thấp; sự đa dạng, hấp dẫn của sản phẩm đồ gỗ Việt Nam còn khiêm tốn.
Thủ tướng đặt ra một số câu hỏi lớn để ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản tìm câu trả lời về phát huy thế mạnh rừng và đất rừng thông qua trồng rừng, chế biến lâm sản. Đây là “bứt phá cần thiết”. Thủ tướng cho biết, đã quyết định giao Bộ NN&PTNT thảo luận với Bộ Tài chính để tìm ra phương thức hỗ trợ trồng rừng cho các tỉnh có đất trồng rừng để người dân yên tâm, có điều kiện trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng trưng bày tại diễn đàn. |
Thủ tướng đã từng đặt hàng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trong 10 năm tới, Việt Nam phải vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trung tâm hàng đầu về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ, có thương hiệu, uy tín trên thị trường thế giới. Thủ tướng nêu rõ, nhu cầu đồ gỗ của thế giới là 430 tỷ USD, riêng giá trị thương mại nội thất và ngoại thất khoảng 150 tỷ USD. Vậy, sau 10 năm nữa, Việt Nam có thể chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần toàn cầu, có đủ để trở thành một trong những nước đứng hàng đầu; là trung tâm sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản trên thị trường thế giới?
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đưa ra những câu hỏi khác như: Đất khu vực nào dành để trồng rừng, trồng loại cây gì để hiệu quả tốt nhất? Công tác thiết kế, nghiên cứu nội thất thế giới có những xu hướng nào để có giá trị gia tăng cao?... Thủ tướng cũng nêu một số vấn đề để các đại biểu cùng thảo luận, tham chiếu, tìm lời giải: Nhận diện đầy đủ về tiềm năng, lợi thế của ngành để phát huy, tận dụng, nắm bắt thời cơ để phát triển bền vững, đạt hiệu quả.
Về cơ chế chính sách, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đã có nhiều nỗ lực triển khai một số giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; tiếp tục củng cố để có nguồn nguyên liệu đủ lớn, hợp pháp từ rừng trồng cho sản xuất… Về kỹ thuật, công nghệ, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản nâng cấp, ứng dụng khoa học công nghệ cao, đổi mới thiết bị sản xuất, thiết kế mẫu mã, mỹ thuật… đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, bất cập của ngành chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản để thảo luận và có giải pháp khắc phục. Cụ thể như: Đầu tư của Nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của ngành; chính sách tín dụng chưa được triển khai tốt; việc bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng còn hạn chế; việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia chưa được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, cần giúp người dân các địa phương được hưởng lợi từ rừng và lâm sản đặc sản. “Sâm Ngọc Linh được xem là 'bảo vật quốc gia', nhưng phải biến nó thành sinh kế của nhiều người dân…”, Thủ tướng nhấn mạnh. Ngoài ra, nhiều sản phẩm rừng chưa phát huy được giá trị, mới xuất khẩu được rất ít, chủ yếu do chưa xây dựng, phát triển được thương hiệu uy tín với nước ngoài và chế biến chưa tốt.
Thủ tướng cũng đề cập việc thực thi pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, lâm sản còn nhiều bất cập, nhất là có những điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái phép. Công tác sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp còn chậm, nhiều vướng mắc, tranh chấp đất rừng ở một số nơi còn gay gắt mà chưa được xử lý dứt điểm...
Đối với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản năm 2019 được Bộ NN&PTNT đề ra là 11 tỷ USD, Thủ tướng cho là quá thấp.
“Muốn đi xa thì phải cùng đi. Nếu chỉ trông chờ vào số lượng các doanh nghiệp như hiện nay thì rất khó để sau 10 năm nữa Việt Nam có thể chiếm được thị phần chi phối trên thế giới. Chúng ta cần biến Việt Nam trở thành một công xưởng của thật nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu đồ gỗ. Không thể chỉ xuất khẩu được trên dưới 10 tỷ USD là chúng ta đã thỏa mãn rồi” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cam kết tiếp tục lắng nghe ý kiến góp ý, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hiệp hội ngành hàng…
Tại diễn đàn, đã có 41 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự thành công của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu được vinh danh. Trong đó, 15 tập thể được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 26 tập thể và 5 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.