Ứng phó với khả năng xảy ra dịch tả lợn châu Phi: Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:38, 23/02/2019

(HNM) - Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, các ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Thái Bình và Hưng Yên bước đầu được khống chế, không phát sinh ổ dịch mới.


Chủ động, cảnh giác

Khi biết thông tin 8 ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại một số hộ chăn nuôi thuộc 2 tỉnh: Hưng Yên và Thái Bình, ông Nguyễn Văn Thích ở thôn 1, xã Trung Châu (huyện Đan Phượng) đã áp dụng các biện pháp theo hướng dẫn của cơ quan thú y cho đàn lợn nuôi của gia đình, như: Đặt các hố sát trùng ngay cổng ra - vào khu chăn nuôi và chuồng nuôi; đồng thời, bổ sung, thay thuốc sát trùng hằng ngày...

Còn anh Nguyễn Quốc Phi, chủ trang trại chăn nuôi 2.000 con lợn thịt ở xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn) cho biết, đã huy động nhân lực, vật lực ưu tiên cho phòng, chống dịch bệnh. "Trước khi vào khu chăn nuôi của gia đình, mọi người đều phải thay quần áo, giày dép, phải mặc đồ bảo hộ của trang trại. Tôi cũng phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi theo định kỳ..." - anh Phi chia sẻ.

Không riêng các gia trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn, nhiều hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn TP Hà Nội cũng nâng cao cảnh giác, theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh để phòng, chống kịp thời. Theo ông Nguyễn Văn Làn ở xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên), trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm, gia đình ông đã tạm dừng tái đàn vật nuôi nhằm hạn chế rủi ro.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn khuyến cáo: “Lúc này, người chăn nuôi cần theo dõi chặt chẽ những thông tin chính thống về dịch tả lợn châu Phi, tuyệt đối không nghe lời đồn và những thông tin chưa được kiểm chứng. Người dân cũng cần thực hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn".

Dịch không gây bệnh trên người


Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Đông cho biết, Cục đã huy động 8 phòng thí nghiệm tổ chức xét nghiệm miễn phí các mẫu bệnh phẩm từ lợn của các địa phương trên địa bàn cả nước. Theo đó, đến nay chưa xuất hiện thêm ổ dịch tả lợn châu Phi, ngoài các ổ dịch ở Hưng Yên, Thái Bình đã cơ bản được khống chế.

Tại Hà Nội, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã tiến hành lấy 7 mẫu tại chốt kiểm dịch động vật Vạn Phúc (xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì). Kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy, chưa xuất hiện vi rút dịch tả lợn châu Phi tại khu vực này. Đây là chốt kiểm dịch động vật lớn nhất của Hà Nội, mỗi ngày kiểm soát khoảng 2.000 con lợn được vận chuyển ra - vào khu giết mổ tập trung Vạn Phúc. Theo Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội) Nguyễn Văn Quang, Chi cục tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lấy mẫu bất kỳ tại các lò mổ, vùng chăn nuôi trọng điểm trên địa bàn thành phố, làm xét nghiệm nhằm đánh giá kịp thời, chính xác về khả năng lưu hành vi rút dịch tả lợn châu Phi. Từ đó, có biện pháp chỉ đạo sát thực, đúng và trúng trong phòng, chống dịch bệnh.

Để chủ động ứng phó với khả năng xảy ra dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh ngay tại cơ sở; đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi; mở chiến dịch vệ sinh môi trường...

Liên quan vấn đề sức khỏe của người dân, Phó Giáo sư Nguyễn Bá Hiên (Khoa Thú y - Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, dịch tả lợn không gây bệnh trên người nhưng lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Người dân cần nấu chín thịt lợn trước khi ăn; không tham quan khu chăn nuôi lợn ở vùng dịch hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch... Trên website của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng khẳng định: Dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người. Do đó, người tiêu dùng không nên hoang mang mà cần ủng hộ các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh và được chế biến hợp vệ sinh.

Bạch Thanh