Tiếp tục “nới room” cho nhà đầu tư ngoại?
Tài chính - Ngày đăng : 07:29, 23/02/2019
Nâng cao khả năng cạnh tranh
Một trong những điểm yếu của các ngân hàng trong nước hiện nay chính là bị hạn chế về nguồn vốn, bởi vẫn còn nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ. Thêm vào đó, quy định của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng điều chỉnh tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn từ 45% xuống 40% kể từ ngày 1-1-2019 đã gây áp lực cho các ngân hàng về nhu cầu bổ sung nguồn vốn. Bởi vậy, việc tìm nguồn vốn ngoại được coi là cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay.
Chủ trương “nới room” ngoại cho các ngân hàng lớn là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và cạnh tranh. Ảnh: Hải Anh |
Thời gian qua, không ít ngân hàng liên tiếp đưa thông tin tìm đối tác ngoại để nâng cao khả năng cạnh tranh, hoặc chuẩn bị cho làn sóng đổ bộ của các ngân hàng ngoại vào Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, theo quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ; tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30%.
Trên thực tế, quy định này đang trở thành lực cản của các ngân hàng nội trong việc tiếp cận nguồn vốn ngoại, vì thế nhiều ngân hàng đã đề xuất được nới tỷ lệ nắm giữ cổ phần của đối tác ngoại lên 35-40%, thậm chí có ngân hàng mong muốn lên 49%.
Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, Tiến sĩ - luật sư Bùi Quang Tín, chủ trương "nới room" ngoại cho 3 ngân hàng lớn là Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từ 35% lên 49% là cần thiết, đáp ứng nhu cầu hội nhập và cạnh tranh với các ngân hàng quốc tế. Hiện, room cho khối ngoại tại các ngân hàng này đang là 35%. Việc "nới room" sẽ không chỉ giúp các ngân hàng thu hút lượng vốn lớn của các nhà đầu tư nước ngoài, mà còn góp phần nâng cao năng lực về vốn, quản trị điều hành, quản trị rủi ro và các tiêu chuẩn khác theo thông lệ quốc tế.
Nhiều ngân hàng "gõ cửa" đối tác ngoại
Không phải đến bây giờ các ngân hàng mới đặt ra vấn đề muốn tìm các đối tác ngoại để hợp tác khi bài toán tăng trưởng và phát triển đang "nóng" dần lên cùng với bản đồ kinh tế thế giới ngày càng phẳng. Chẳng hạn, một ngân hàng lớn như VietinBank cũng liên tiếp vay hợp vốn trong những năm qua, trong đó có hợp đồng vay hợp vốn 100 triệu USD với 8 định chế tài chính nước ngoài. Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) đã ký hợp đồng vay vốn dài hạn, có giá trị lên tới 100 triệu USD với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), cùng với đó IFC sẽ tham gia tư vấn cho TPBank trong các lĩnh vực quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro và nâng cao năng lực phát triển.
Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) nhận khoản vay 50 triệu USD từ JPMorgan Chase (Công ty Dịch vụ tài chính, ngân hàng và quản lý tài sản của Mỹ), kỳ hạn 3 năm để bổ sung nguồn ngoại tệ trung - dài hạn. Hay như Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vay 20 triệu USD kỳ hạn 5 năm từ IIB (Ngân hàng Đầu tư Quốc tế - Nga) và 20 triệu EUR theo hợp đồng tín dụng khung với IBEC (Ngân hàng Hợp tác kinh tế quốc tế - Nga). Theo SHB, các khoản vay sẽ giúp ngân hàng có thêm nguồn vốn trung - dài hạn tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam, thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, hoạt động ngoại hối, huy động vốn...
Những ngân hàng khác như Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã vay 100 triệu USD từ Deutsche Bank (Đức) cho FE Credit (Công ty Vay tiêu dùng của VPBank), 122 triệu USD từ IFC (Công ty Tài chính quốc tế); Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank) nhận khoản vay hợp vốn 150 triệu USD từ IFC...
Tuy nhiên, việc "nới room" cho nhà đầu tư ngoại lên 49% không dễ, bởi khó tìm được đối tác chiến lược thực sự, khi đó nhà đầu tư nước ngoài cũng có rất nhiều quyền và sẽ có những tác động nhất định đến chiến lược của ngân hàng. Theo Tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín, câu chuyện "mở room" cũng tương tự như việc nhượng quyền thương mại, khi đó việc nhà đầu tư nước ngoài có quyền biểu quyết nhiều vấn đề, nên có thể sẽ ảnh hưởng đến thông tin khách hàng, câu chuyện bí mật kinh doanh... Song, việc "nới room" cũng mang lại lợi ích cho chính tổ chức tín dụng, vì tạo niềm tin cho khách hàng, đồng thời đối tác ngoại sẽ cử nhân sự có kinh nghiệm về quản trị, điều hành làm việc trong ngân hàng, giúp việc quản trị tốt hơn.
Hoan nghênh nhà đầu tư ngoại tham gia tái cơ cấu ngân hàng nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, ngành Ngân hàng mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các ngân hàng trong nước và tin tưởng rằng giai đoạn này sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn hơn nữa cho nhà đầu tư. Với quy định hiện tại, đã có nhiều ngân hàng thương mại chạm mức trần quy định về tỷ lệ sở hữu của khối ngoại. Do đó, nhiều ngân hàng mong muốn được "nới room" cho khối ngoại để tăng vốn, xử lý nợ xấu và thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Mức đề nghị "nới room" của một số ngân hàng thương mại nhà nước là 35-40%, còn các ngân hàng thương mại nhỏ là 49%, hoặc 51%. Trong khi đó, các tổ chức nước ngoài cũng kiến nghị tăng mức sở hữu khối ngoại tại các "nhà băng nội" lên 50%, thậm chí 65%.