Lan tỏa hiệu ứng tích cực

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:42, 24/02/2019

(HNM) - Chương trình Phố sách Xuân Kỷ Hợi được tổ chức tại phố 19 tháng 12 (Hà Nội), là sự kiện mở đầu cho các hoạt động nhằm mục tiêu phát triển văn hóa đọc trên địa bàn TP Hà Nội trong năm 2019.


Nhìn vào kết quả tổ chức Phố sách Xuân Kỷ Hợi 2019 (và các năm trước) cũng như kế hoạch tổ chức các hoạt động liên quan trong năm nay, với điểm nhấn là Hội sách Hà Nội năm 2019, các hoạt động kỷ niệm Ngày sách Việt Nam, dễ thấy công tác tổ chức hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc tại Thủ đô đã dần vào nếp, ngày một đa dạng, thiết thực. Như với Phố sách Xuân Kỷ Hợi 2019, tính thiết thực ngày càng tăng và một số trường học chủ động tổ chức cho học sinh tới tham quan. Đó là điều đáng được nhân rộng một cách bài bản bởi việc tổ chức cho học sinh tham gia những sự kiện liên quan tới sách là cách giúp thế hệ tương lai tiếp cận với sách từ sớm, từ đó hình thành tình yêu, thói quen đọc sách thường xuyên.

“Lọc” ra điểm nhấn nói trên trong số nhiều điểm tích cực tại một sự kiện được đánh giá là thành công như Phố sách Xuân Kỷ Hợi 2019 nhằm nhấn mạnh rằng, để phát triển văn hóa đọc đúng nghĩa thì không chỉ cần có nhiều sách hay, bổ ích, không chỉ cần tạo ra không gian đọc thú vị hay mạng lưới cung ứng sách rộng khắp mà còn cần xây dựng một cộng đồng luôn ý thức rõ tầm quan trọng của sự đọc, của văn hóa đọc.

Văn hóa đọc là một khái niệm nên được hiểu theo nghĩa rộng với sự hợp thành của nhiều yếu tố. Đó không phải sự đọc đơn thuần, mà là đọc có ý thức, là cách ứng xử với sách, với việc đọc, là xây dựng chuẩn mực đọc, biết lựa chọn sách tốt... Nói cách khác, xây dựng văn hóa đọc không có nghĩa là xuất bản nhiều sách tốt và tìm cách đưa sách đến với bạn đọc rồi thôi, mà còn liên quan đến việc tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện nhằm giúp các thành viên trong cộng đồng sớm hình thành thói quen, sở thích, kỹ năng đọc đúng đắn. Đáng mừng là không chỉ tại Phố sách Xuân Kỷ Hợi 2019 mà trong nhiều hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc thời gian qua đã không chỉ quan tâm đến doanh số bán sách mà còn gắn với tổ chức nhiều sự kiện bổ ích nhằm định hướng đọc.

Thành công đó có được, một phần quan trọng nhờ việc tham gia, học hỏi kinh nghiệm quý báu từ các hội sách quốc tế như Hội sách Frankfurt (Đức). Đó chính là những hành động nhằm cụ thể hóa Quyết định số 329/QĐ-TTg, ngày 15-3-2017, của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” có đề cập việc này khi đề ra mục tiêu đến năm 2020, “phấn đấu 40%-50% người dân có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời”, “phấn đấu 85% người sử dụng thư viện (đối với học sinh, sinh viên là 90%) có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu, giải trí”…

Để hoàn thành mục tiêu nói trên và hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai, cần tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến, đồng thời tiến hành nghiên cứu để tìm ra cách thức thực hiện phù hợp, cũng như quảng bá xuất bản phẩm ra thế giới. Những hội thảo, tọa đàm chuyên sâu sẽ giúp chỉ ra xuất phát điểm, xác định tầm quan trọng và cách thức phối hợp giữa ngành Giáo dục và Xuất bản, Phát hành sách, Thư viện. Làm tốt việc đó sẽ góp phần lan tỏa mạnh mẽ những hiệu ứng tích cực đã có… 

Dục Tú