Phác thảo một diện mạo văn chương

Sách - Ngày đăng : 08:08, 24/02/2019

(HNM) - Hai tuyển tập “30 năm Thơ” và “30 năm Truyện ngắn” vừa đến tay bạn đọc, do Báo Nhân Dân phối hợp với Nhà Xuất bản Văn học chọn lọc từ những tác phẩm xuất sắc in trên Báo Nhân Dân cuối tuần, hội tụ nhiều gương mặt tên tuổi, phong cách sáng tạo, phần nào phác thảo diện mạo văn chương nước nhà.

Hai ấn bản tinh tuyển các tác phẩm in trên Báo Nhân Dân cuối tuần.


Truyện ngắn giàu bản sắc

Tuần báo Nhân Dân cuối tuần của Báo Nhân Dân là ấn phẩm cuối tuần đầu tiên trong làng Báo chí Cách mạng Việt Nam. Trong quá trình phát triển, trưởng thành, Báo Nhân Dân cuối tuần rất quan tâm đến vấn đề văn chương nước nhà. Nhiều truyện ngắn, thơ, bút ký văn học đã được chọn in, để lại dấu ấn trên văn đàn.

Về tuyển tập “30 năm Truyện ngắn”, nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm (Tạp chí Văn nghệ quân đội) khái quát: “30 năm qua, hàng trăm truyện ngắn đã xuất hiện trên ấn phẩm, với nhiều đề tài, nhiều cá tính sáng tạo mới, giàu chất văn, góp phần phát triển đời sống văn học nước nhà”. 30 truyện ngắn được giới thiệu dịp này là 30 câu chuyện văn chương đặc sắc. Có thể thấy rõ, trong truyện ngắn của những cây bút có nghề và lịch lãm, chủ đề nổi bật là tình thương yêu - sức mạnh cảm hóa con người. Chẳng hạn như Nguyễn Dậu với “Góc bể chân trời” kể câu chuyện cảm động về sự cưu mang, đùm bọc của đồng bào đã vực dậy một con người. Với truyện “Ngày còn dài”, nhà văn Lê Minh Khuê nhẹ nhàng kể về một người cha đã thức tỉnh đứa con ích kỷ, không quan tâm đến ai bằng lối ứng xử tinh tế với mọi người xung quanh. Truyện ngắn “Ba người ở xóm Voi Đi” của Trần Hồng Long nói về ba con người với ba số phận khác nhau, cùng chung một nỗi hoang mang bất hạnh, thế nhưng phía sau đó vẫn gợi lên khát vọng của tình yêu cuộc sống. Không chỉ tình thương yêu giữa người với người, nhiều tác giả còn kể những câu chuyện hay về sự gắn bó của con người với loài vật, như Ma Văn Kháng với “Mèo con nghịch ngợm”, Phạm Thành Hưng với “Chuyện cũ về nuôi chó cảnh”. Dù với giọng điệu tinh tế hay hóm hỉnh, những truyện ngắn ấy luôn đượm đầy triết lý về nhân tình thế thái và lời nhắn nhủ giữ gìn truyền thống hiếu nghĩa…

Ngoài ra, một số truyện in ở cuối sách, chủ yếu của các tác giả trẻ có cá tính, là những gương mặt triển vọng của nền văn học trẻ đương đại đang tích cực sáng tạo, như Nguyễn Phương Liên, Phong Điệp, Hoàng Hải Lâm, Đinh Phương, Lý A Kiều, Nguyệt Chu, Hoàng Công Danh, Trần Thị Tú Ngọc, Nguyễn Thị Kim Hòa… Những trang viết của họ cho thấy bước chuyển rõ rệt với thế hệ trước, từ truyện kể sang cách kể, từ tập thể sang cá thể và ngồn ngộn chất liệu cuộc sống, tư duy lớp trẻ, giúp người đọc cảm nhận sâu hơn về văn chương hiện đại.

Một thời đại mới của thi ca

Tuyển tập “30 năm Thơ” có sự góp mặt đông đảo hơn của các cây bút. 150 bài của 150 tác giả được đăng tải đều suốt 30 năm qua, đã thật sự phản ánh được một giai đoạn phát triển lớn mạnh của thi ca nước nhà. Nhiều nhà thơ tên tuổi lớp đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam như Khương Hữu Dụng, Tố Hữu, Hoàng Cầm, Tế Hanh, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Sanh, kế tiếp là Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Ngọc Cảnh, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo, Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Hòa Bình, Trần Quang Quý, Mai Văn Phấn… đều có tác phẩm ở đây.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét: “Chặng đường thơ 30 năm qua trên Báo Nhân Dân cuối tuần thực sự đã phản ánh được một thời đại mới của thi ca Việt Nam. Một thời đại không chỉ của riêng thế hệ nào, mà là từ sự thay đổi lớn lao của dân tộc đã làm cho sáng tác thi ca trở nên phong phú và mang một tinh thần mới. Chúng ta đã đi qua chiến tranh và bước vào công cuộc xây dựng đất nước trong hòa bình. Những cánh cửa lớn bắt đầu được mở ra và từ đó ngôn ngữ mới được sinh sôi trong một tinh thần mới của dân tộc…”.

Cầm tập thơ trên tay, bạn đọc không chỉ cảm nhận thấy sự bề thế của một tuyển tập, mà có lúc cảm nhận rõ sự ngân vang của tâm hồn khi chạm vào cảm xúc của một thời cả nước sục sôi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đó là tiếng vọng lại của chiến tranh. Tiếng vọng lại ấy là tiếng của những suy tưởng về con người, về đất nước, về giá trị lớn lao mà cũng giản dị của đời sống mà chỉ có những người đã đi qua mới thấu hiểu. Có thể thấy trong bài “Thưa thầy” (Trần Quang Đạo), “Chiếc lá đầu tiên” của Hoàng Nhuận Cầm hay “Những phút xao lòng” của Thuận Hữu…

Người đọc cũng được thưởng thức các tác phẩm của nhiều gương mặt thơ trẻ đương đại, những người xuất hiện trên sân khấu trong Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhiều năm qua. Đó là Phạm Tú Anh với “Ru tuổi mẹ”, Bình Nguyên Trang với “Xuân”, Trương Hồng Tú với “Sinh mạng”, Lữ Thị Mai với “Vẽ lửa”, Bùi Tuyết Mai với “Thu”… Thơ của họ có nhiều cách tân, đổi mới, triết lý nhưng cũng đầy hơi thở cuộc sống. Các tác giả trẻ này không ngại va đập để làm mới mình, tích cực in sách có chất lượng. Chính sự sáng tạo không ngừng của họ cũng khiến những nhà thơ lớn tuổi phải ngỡ ngàng...

“30 năm Thơ” và “30 năm Truyện ngắn” là hai tuyển tập công phu, lưu lại những gương mặt, giọng điệu, phong cách đã và đang tích cực đóng góp trên văn đàn nước nhà. Chúng đóng góp thêm những giá trị thiết thực vào mảng sách văn học, đồng thời khẳng định các ấn phẩm báo chí luôn là diễn đàn, là nơi “cất cánh” cho nhiều cây bút văn chương.

Diên Khánh