Biến đổi lòng dẫn sông Hồng: Hệ lụy và giải pháp

Công nghệ - Ngày đăng : 06:15, 25/02/2019

(HNM) - Lòng dẫn sông Hồng ngày càng hạ thấp đã tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của 12 tỉnh, thành phố khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ; trong đó, đặc biệt là TP Hà Nội. Giải pháp nào để giảm tác động của việc hạ thấp lòng dẫn sông Hồng?



Biến đổi lòng dẫn sông Hồng gây ra nhiều sự cố sạt lở bờ sông ở huyện Ba Vì.


Bài đầu: Thách thức từ việc hạ thấp lòng dẫn

Những năm gần đây, tốc độ hạ thấp lòng dẫn sông Hồng ngày càng nghiêm trọng. Thực tế này đã khiến hàng loạt công trình thủy lợi không thể vận hành, đe dọa ổn định hệ thống bảo vệ đê điều, giảm hiệu quả sử dụng tài nguyên nước…

Nông nghiệp, thủy điện... khát nước


Tính đến ngày 21-2-2019, 5 công ty thủy lợi của TP Hà Nội đã cấp đủ nước cho 97,7% diện tích gieo cấy vụ xuân 2019. Dự kiến đến ngày 25-2, các công ty thủy lợi sẽ hoàn thành việc cấp nước sản xuất vụ xuân. Trên cơ sở đó, đến ngày 28-2, Hà Nội sẽ hoàn thành việc gieo cấy sản xuất vụ xuân, bảo đảm đúng khung thời vụ tốt nhất. So với các năm trước, tiến độ lấy nước phục vụ sản xuất vụ xuân của TP Hà Nội đã nhanh hơn, bảo đảm mục tiêu sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời. Tuy nhiên, so với 12 tỉnh, thành phố cùng khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, năm nay, Hà Nội tiếp tục là địa phương cuối cùng hoàn thành việc cấp nước sản xuất vụ xuân trong khoảng 10 năm liên tiếp.

Mực nước sông Hồng hạ thấp khiến lưu vực sông Đáy ngày càng cạn kiệt và ô nhiễm.


Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải cho rằng: Với 91.944ha, TP Hà Nội có diện tích sản xuất vụ xuân lớn nhất khu vực. Bên cạnh đó, địa hình canh tác của Hà Nội không bằng phẳng, nhiều khu ruộng cao. Đặc biệt, TP Hà Nội có hơn 65% diện tích gieo cấy phụ thuộc nguồn nước sông Hồng, sông Đà, sông Đuống. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, mực nước sông Hồng liên tục bị hạ thấp khiến nhiều công trình lấy nước của Hà Nội như các trạm bơm chính: Phù Sa, Ấp Bắc, Thanh Điềm, Đan Hoài… và các cống: Liên Mạc, Cẩm Đình, Long Tửu, Xuân Quan… không thể vận hành, hoặc vận hành nhưng không đủ công suất thiết kế, phải lắp đặt 67 trạm bơm dã chiến, với 222 máy bơm các loại, dẫn đến thời gian lấy nước kéo dài.

Trạm bơm Phù Sa có 4 tổ máy, công suất 10.080m3/h, làm nhiệm vụ tiếp nguồn sông Hồng ở mực nước 5,2m, cấp nước tưới cho hơn 6.000ha của các huyện, thị xã: Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai. Theo ông Ngô Thanh Minh, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích), trong cả 3 đợt xả nước hồ thủy điện phục vụ sản xuất vụ xuân 2019, mực nước sông Hồng cao nhất tại đây chỉ đạt 4,15m trong một ngày (20-1) và 4,26m trong hai ngày (2 và 3-2)... Do mực nước thấp nên trạm bơm chính không thể hoạt động, việc cấp nước cho hệ Phù Sa vụ xuân năm nay phụ thuộc hoàn toàn trạm bơm dã chiến…

Mặc dù rất cần tích nước để phát điện trong mùa kiệt nhưng 10 năm qua, các nhà máy thủy điện: Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà luôn phải xả nước phục vụ 12 tỉnh, thành phố khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ lấy nước sản xuất nông nghiệp, với khối lượng xả ngày càng lớn. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho rằng việc xả nước hồ thủy điện đang tạo ra áp lực cho địa phương trong việc bảo đảm an toàn, ổn định hệ thống chân kè sông Hồng, sông Đà… Thực tế những năm qua, do xả nước (nhất là vào mùa lũ) nên mực nước sông Hồng lên nhanh và rút nhanh đã gây ra nhiều sự cố sạt lở bờ sông, chân kè…

Nguy cơ chưa dừng lại

Theo ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) để bảo đảm dâng mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Long Biên (TP Hà Nội) lên 2,2m, đáp ứng yêu cầu vận hành các công trình lấy nước, hiện nay, các nhà máy thủy điện đã phải tăng thời gian xả trước từ 1 đến 2 ngày so với trước kia. Bên cạnh đó, lưu lượng điều tiết nước từ các hồ chứa thủy điện cũng tăng từ 1.500m3/s vào giai đoạn trước năm 2010 lên hơn 3.000m3/s như hiện nay; tổng lượng nước cần xả cũng tăng liên tục: Năm 2008 là 2,5 tỷ mét khối, năm 2018 là 5,74 tỷ mét khối và dự kiến năm 2019 là 6 tỷ mét khối. Tuy nhiên, so với 7 năm trước, mực nước tại cửa lấy nước Trạm bơm Phù Sa bị hạ thấp khoảng 0,8m, cống Liên Mạc khoảng 0,3m, cống Long Tửu khoảng 0,5m… Đặc biệt, trong vụ xuân năm nay, mặc dù mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Long Biên đạt 2,2m nhưng các trạm bơm chính: Phù Sa, Thanh Điềm, Sơn Đà, Trung Hà… của TP Hà Nội không thể vận hành.

GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến hạ thấp mực nước sông Hồng là do tình hình khai thác cát không được kiểm soát. Lòng dẫn bị đào rộng. Trong 10 năm qua, đáy sông Hồng đoạn từ Việt Trì về xuôi, nhất là đoạn qua TP Hà Nội bị bào xói trên dưới 4m; cửa sông Đuống bị xói sâu khoảng 10m… Vì vậy, khi hồ thủy điện xả bổ sung cần khối lượng lớn nước để tạo nước đệm cho đáy sông. Bên cạnh đó, tỷ lệ phân lưu từ sông Hồng vào sông Đuống ngày càng lớn tới mức xấp xỉ 50% khiến mực nước vùng hạ du sông Hồng suy giảm lớn hơn…

Theo kết quả khảo sát của Viện Quy hoạch thủy lợi Việt Nam, những năm gần đây, lòng dẫn sông Hồng, sông Lô, sông Đuống đang bị xói sâu và mở rộng mặt cắt ướt ở nhiều đoạn. Trên sông Lô, đáy sông bị hạ thấp 6-8m so với địa hình năm 2000, thậm chí có vị trí bị hạ thấp 9-12m. Trên sông Đuống, cao độ đáy sông hạ thấp 4-6m. Còn trên sông Hồng, tại vị trí Trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây), đáy sông bị hạ thấp đến 5m...

(Còn nữa)

Kim Nhuệ