Tất cả vì bệnh nhân
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:58, 25/02/2019
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền kiểm tra tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. |
Đổi thay ở tất cả các tuyến...
Có mặt tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh… vào những ngày đầu năm mới này, chúng tôi rất ngạc nhiên trước sự thay đổi nơi đây. Ông Trịnh Tố Tâm, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội cho biết, thời gian qua, việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, cải thiện môi trường y tế xanh - sạch - đẹp được tăng cường. Cán bộ y tế có sự chuyển biến rõ rệt về phong cách, thái độ phục vụ.
Mang thai đứa con đầu lòng và được các bác sĩ đánh giá là ca sinh khó, thai phụ Lê Hải Anh (sinh năm 1987, ở Hoàng Mai, Hà Nội) và gia đình rất lo lắng. Thế nhưng, khi quyết định sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, được các bác sĩ tại đây hướng dẫn tận tình, nỗi lo lắng của chị Lê Hải Anh vơi đi rất nhiều. Chị Lê Hải Anh chia sẻ, tuy đông bệnh nhân, song quá trình làm thủ tục, hồ sơ nhập viện diễn ra nhanh chóng. Ban đầu, chị rất lo nhưng kết quả “mẹ tròn con vuông”, lại không phải sinh mổ, nên chị và gia đình rất vui.
Là bệnh viện hạng I chuyên ngành Sản phụ khoa của TP Hà Nội và cũng là bệnh viện tuyến cuối chuyên ngành Sản phụ khoa của Bộ Y tế, năm 2018, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận và khám, chữa bệnh ngoại trú cho gần 720.000 lượt người; khám, chữa bệnh nội trú cho hơn 74.000 lượt người. Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khẳng định, chữa bệnh cứu người là trọng trách mà xã hội giao cho các bệnh viện. Đối với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bên cạnh chữa bệnh cứu người, bệnh viện còn có một trách nhiệm lớn lao hơn là đồng hành với các chị em lên “chuyến xe” để cùng thực hiện một hành trình làm mẹ an toàn.
Bước chân vào Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), dễ nhận thấy đây là một cơ ngơi hiện đại, khang trang, sạch sẽ mà nhiều cơ sở y tế mơ ước. Thay cho những gương mặt vô cảm, thái độ lạnh nhạt, những câu trả lời trống không là sự tiếp đón chu đáo, ân cần của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ. Mặc dù mới đi vào hoạt động được hơn 2 năm, nhưng trung tâm đã tiếp đón hơn 45.000 lượt người bệnh đến khám ngoại trú và phẫu thuật thành công cho gần 5.000 trường hợp, trong đó rất nhiều ca bệnh nặng, hiếm gặp, bệnh nan y...
Không chỉ tuyến thành phố, ngay cả với bệnh viện tuyến huyện đã có nhiều sự đổi thay không ngờ. Nếu như những năm trước, mỗi lần đặt chân đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh với bà Hoàng Thị Đặt (ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội) là cả một nỗi ám ảnh thì nay bệnh viện đã có một cơ sở mới khang trang, sạch đẹp tại xã Thạch Đà. Giờ đây, những bệnh nhân như bà Đặt cảm thấy rất hài lòng, không còn muốn chuyển lên tuyến trên. Để rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, bệnh viện đã đầu tư thêm các trang thiết bị mới, cho kết quả nhanh, chính xác và có niêm yết bảng hẹn giờ trả kết quả. Bệnh viện cũng đã ứng dụng nhiều kỹ thuật mới như: Mổ kết hợp xương cẳng chân, xương cẳng tay, thay khớp háng, mổ nội soi dây chằng, tán sỏi nội soi ngược dòng... để người bệnh không phải lên tuyến trên điều trị, đỡ tốn kém.
Vì sự hài lòng của người bệnh
Theo Sở Y tế Hà Nội, năm 2018, ngành Y tế Thủ đô hoàn thành 100% các chỉ tiêu thành phố giao. Riêng chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân đã tăng từ 23,3 lên 24,5 giường bệnh/vạn dân, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân cũng tăng từ 13,1 lên 13,3 bác sĩ/vạn dân. Cùng với đó, các chỉ tiêu khám, chữa bệnh đều đạt và vượt kế hoạch, số lượt khám bệnh là gần 6,7 triệu lượt (tăng 4,5% so với năm 2017), gần 800.000 người bệnh điều trị nội trú (tăng 6,4%) và hơn 144.000 ca phẫu thuật (tăng 4,5%).
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, nằm trên địa bàn tập trung nhiều bệnh viện đầu ngành tuyến trung ương, nếu các bệnh viện của Hà Nội không phục vụ chu đáo, không có kỹ thuật tốt, thì không thể “kéo” được bệnh nhân. Thời gian qua, tất cả những giải pháp được đưa ra đều lấy yếu tố đầu tiên “tất cả vì bệnh nhân”. Nhờ đó, tỷ lệ hài lòng của người bệnh đang tăng đều qua các năm. Trong năm 2018, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức đoàn khảo sát tại 67 bệnh viện trên địa bàn, trong đó có 41 cơ sở công lập và 26 bệnh viện ngoài công lập. Theo đó, đánh giá sự hài lòng của bệnh nhân ngoại trú có 84% hài lòng và hơn 91% bệnh nhân nội trú hài lòng với thái độ làm việc, phục vụ của các y, bác sĩ, điều dưỡng...
Trong bối cảnh nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tăng cao, đòi hỏi các bệnh viện phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, lấy người bệnh làm trung tâm của hoạt động điều trị, chăm sóc và lấy sự hài lòng của người bệnh làm tiêu chuẩn, thước đo. Do đó, năm 2019, ngành Y tế Thủ đô phát động phong trào thi đua nhằm tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa về nhận thức; nâng cao kỷ cương, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn; phát huy khả năng sáng tạo và thay đổi thái độ, phong cách ứng xử, phục vụ... của cán bộ, nhân viên toàn ngành.