Nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu lúa gạo
Kinh tế - Ngày đăng : 07:44, 25/02/2019
Thu hoạch lúa ở xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. |
Anh Nguyễn Văn Đức, ngụ tại xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cho biết: “Vụ lúa này, hơn 80% nông dân xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh chuyển sang trồng lúa chất lượng cao Đài thơm 8. Mọi năm lúa được bán giá khoảng 6.000-6.500 đồng/ kg và thương lái phải tranh nhau mua. Năm nay, giá lúa rẻ mà không thấy người mua. Người dân chúng tôi lo lắng không biết có giải pháp nào để bán được lúa”.
Hiện nay, nông dân trồng lúa rơi vào tình cảnh lúa chín đầy đồng nhưng lại vắng bóng thương lái thu mua. Ở một số cánh đồng, nông dân muốn bán lúa Đài thơm 8 với giá 4.800 đồng/kg nhưng thương lái từ chối thẳng thừng. Anh Nguyễn Văn Pho ngụ tại xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cho biết: “Hai lần tôi thương lượng với thương lái, chấp nhận bán giá giảm 1.500 đồng/kg tức còn 4.600 đồng/kg, thế nhưng thương lái còn chê, chưa chịu chốt giá. Khổ lắm, nông dân phải mòn mỏi đợi họ quay lại chứ giờ biết sao đây?”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dũng - thương lái thu mua lúa tại tỉnh Long An cho hay: “Giá gạo xuống thì giá lúa giảm, chúng tôi cũng muốn mua cao cho bà con kiếm lời”. Còn thương lái Trần Văn Út, thu mua lúa tại tỉnh Sóc Trăng cho biết, giá lúa tại Sóc Trăng tiếp tục ở mức thấp, lúa chất lượng tốt có giá mua vào 4.500-4.700 đồng/kg, lúa thơm RVT là 5.200-5.400 đồng/kg.
Theo đại diện UBND xã Tân Hòa (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An), hiện giá lúa IR 50404 là 4.400 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 là 4.600-4.700 đồng/kg, giảm 500-1.000 đồng/kg so với vụ lúa đông xuân năm 2018. Với giá bán này, nông dân đã mất 8-10 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết: “Trong vụ lúa đông xuân, bà con xuống giống gieo sạ trên 3.000ha, hiện đã thu hoạch được 1.500ha với năng suất ước đạt 7-8 tấn/ha, còn 50% diện tích nữa đang chuẩn bị thu hoạch. Chúng tôi cũng đề nghị các đối tác mua thêm lúa trồng ở một số diện tích bên ngoài của bà con. Tuy nhiên, họ làm theo kế hoạch nên cũng không thể giúp cho địa phương”.
Khoảng 5 năm trở lại đây, dù chi phí sản xuất tăng nhưng giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long không tăng, trung bình ở mức 4.000-5.000 đồng/kg, khiến nông dân khó khăn hơn. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - nguyên Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho hay, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 1,5 triệu héc ta lúa đông xuân với sản lượng ước đạt 10-11 triệu tấn. Những năm gần đây, thị trường các nước như Thái Lan, Myanmar, Campuchia cung cấp lúa với trữ lượng dồi dào, chất lượng nên thị trường tiêu thụ lúa gạo của Việt Nam bị thu hẹp hơn. Để nâng giá lúa, chúng ta phải xúc tiến thương mại, tìm thêm nhiều thị trường hơn, ngoài thị trường Trung Quốc cần tăng cường thị trường Indonesia, Philippines, Bắc Á, Tây Âu. Đồng thời, chúng ta cần nâng cao chất lượng lúa, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nông dân để sản xuất lúa sạch, truy xuất được nguồn gốc để phục vụ xuất khẩu lúa gạo.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình giá gạo giảm so với cùng kỳ ngày 19-2 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài chính tập trung triển khai mua tăng, đưa vào dự trữ quốc gia năm 2019 số lượng 80.000 tấn lúa và 200.000 tấn gạo để hỗ trợ nông dân. Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, sau sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 130 doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội được quán triệt cân đối nguồn tín dụng đã triển khai tổ chức mua lúa cho nông dân, nhờ đó giá lúa có tăng nhẹ.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, chúng ta sẽ tiếp tục triển khai những chiến lược lớn, tập trung đa dạng hóa thị trường xuất khẩu lúa gạo, tổ chức những đoàn công tác xúc tiến thương mại. Ngay trong quý I-2019 sẽ có một đoàn công tác sang thị trường Philippines để xúc tiến việc bán hàng, tận dụng lợi thế mà nước bạn mới gia hạn cho ta về vấn đề xuất khẩu gạo.