Nhận diện một căn bệnh nguy hiểm
Xây & Chống - Ngày đăng : 06:03, 25/02/2019
1. Có thể nói, tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo, nói lấy được, nói hay làm dở, nói với cấp trên khác, nói với cấp dưới khác và nói trước phủi sau… đang tồn tại ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Ở cấp độ cao hơn, nói không đi đôi với làm chính là bệnh thành tích, bệnh giáo điều, thói háo danh, nói dối, khai man, thiếu trung thực... nhằm động cơ không trong sáng. Tác hại của những căn bệnh trên là rất nghiêm trọng, trực tiếp làm xói mòn niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước.
Cách đây chưa lâu, dư luận rất bức xúc về việc một nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai được Trung ương kết luận “sai phạm nghiêm trọng” trong điều hành khi đương chức, với mức kỷ luật là cảnh cáo. Thế nhưng, trả lời báo chí về vấn đề trên, vị này đã nói: "Tôi nghỉ hưu hai năm rồi, họ muốn xử thế nào thì xử!". Câu nói trên thể hiện thái độ coi thường kỷ luật Đảng của một nguyên cán bộ lãnh đạo cấp cao, rất đáng bị phê phán, lên án… Nghiêm trọng hơn là hiện tượng cán bộ nghỉ hưu nói và làm trái với đường lối, nghị quyết của Đảng, Nhà nước. Điển hình là việc ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Tri thức (Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam) đã bị khai trừ ra khỏi Đảng. Cùng với đó, một số cán bộ nghỉ hưu do những mâu thuẫn cá nhân đã viết hồi ký hoặc có những phát ngôn “thấy cây mà không thấy rừng”, cho mình quyền được phán xét người khác một cách không có căn cứ. Nhiều trường hợp thường xuyên trả lời báo chí hải ngoại, công khai có những bài viết, phát ngôn, hành động chống phá hay tham gia các nhóm xã hội dân sự… Một số người từ việc thiếu bản lĩnh chính trị, khi được các trang mạng tán dương lại ra vẻ hợm hĩnh dưới những mỹ danh “yêu nước”, “nhà dân chủ” mà không biết mình đang bị lợi dụng và trở thành con rối trong tay bọn cơ hội, phản động, trượt dài trên con đường phản bội.
Với cán bộ đang đương chức, biểu hiện của việc nói và làm không đúng quan điểm, đường lối của Đảng thường có đặc điểm chung là "tiền hậu bất nhất". Trên diễn đàn, trong hội nghị, khi sinh hoạt Đảng thì họ nói đúng tinh thần, nội dung, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của các chỉ thị, quyết sách của Đảng. Vậy nhưng, khi rời cuộc họp, chính họ lại chủ động đưa ra ý kiến trái chiều, thậm chí lệch lạc “quay ngoắt 180 độ” so với những gì đã nói trước đó. Thậm chí, một số người có chức vụ nhưng với ý đồ không trong sáng đã cho rằng những vấn đề của cơ quan, tổ chức đã không được bàn thảo nhưng trên thực tế là ngược lại, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, quần chúng không còn tin vào bộ máy lãnh đạo đơn vị. Hoặc, lợi dụng mạng xã hội, một số đảng viên là trí thức có hiểu biết rộng hơn mặt bằng chung đã tán phát, khuếch trương những thông tin, bài viết, bình luận các vấn đề xã hội dưới góc nhìn chủ quan, chỉ thấy hiện tượng rồi quy chụp thành bản chất, mà thực chất là thổi phồng khuyết điểm, khoét sâu những mặt trái, tiêu cực của xã hội để bôi đen hình ảnh đất nước.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cán bộ, đảng viên nói và làm không nhất quán có cả lý do khách quan và chủ quan. Khách quan ở chỗ việc thực hành dân chủ, phát huy tinh thần phê bình và tự phê bình ở các cơ quan, đơn vị chưa tốt, còn biểu hiện hình thức nên dẫn tới một bộ phận cán bộ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo có tư tưởng thực dụng, mũ ni che tai, không dám nói thẳng, nói thật; không thể hiện bản lĩnh chính trị và dũng khí của người đảng viên chân chính. Nhưng cái chính vẫn bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan, đó là sự thiếu rèn luyện, tu dưỡng bản lĩnh chính trị, hình thành phẩm chất trung thực, thẳng thắn cần thiết, đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên.
2. “Nói đi đôi với làm” được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là nguyên tắc đạo đức, lẽ sống, phương châm hoạt động của mỗi người và là biểu hiện sinh động, cụ thể về sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động. Có thể thấy, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, lợi ích vị kỷ, xây dựng lối sống trung thực, thẳng thắn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, lời nói đi đôi với việc làm trong cán bộ, đảng viên là công việc rất quan trọng, nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp. Do đó, cần phải thực hiện một cách quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao.
Trước hết cần phải nhắc lại rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của đảng viên đã được quy định trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, là: “Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước”; “Tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng; phục tùng kỷ luật, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng”. Mặt khác, “Tổ chức Đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương”. Tuy nhiên, Đảng ta cũng không hạn chế quyền tự do thông tin của đảng viên. Về quyền thông tin, thảo luận của đảng viên, Điều lệ Đảng đã quy định: “Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với Nghị quyết của Đảng”.
Nhắc lại những điều trên cho thấy, mỗi đảng viên dù đương chức hay đã nghỉ hưu cần thực hiện đúng quy định đã có và nếu có những phát hiện mới, góp ý khác với tinh thần nghị quyết, chỉ thị của Đảng thì nên thẳng thắn trao đổi với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định. Thái độ chân thành, hiểu và làm đúng việc này chính là góp phần xây dựng Đảng "là đạo đức, là văn minh", xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Ngoài trách nhiệm của mỗi đảng viên như đã nói ở trên, để “chữa bệnh” nói một đằng, làm một nẻo, Đảng ta cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả hơn nữa việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhất là phong cách làm việc “Nói đi đôi với làm” của Người. Người đảng viên cần tiên phong gương mẫu đi đầu, kiên quyết không được né tránh trách nhiệm trước công việc, không được "tranh công, đổ lỗi" và càng không được thất hứa với nhân dân dù là việc nhỏ nhất.
Cùng với thực hành phương châm “Nói đi đôi với làm” thì phải đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, đảng viên. Cụ thể là thực hiện nghiêm Chỉ thị số 28-CT/TƯ về nâng cao chất lượng, sàng lọc đảng viên, vừa được Ban Bí thư ban hành. Theo đó, cần đẩy mạnh rà soát, kiên quyết đưa ra khỏi các cương vị lãnh đạo, quản lý những cán bộ nói không đi đôi với làm; đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Đối với việc kết nạp đảng viên mới, kiên quyết lấy chất lượng làm đầu, không chạy theo số lượng, bệnh thành tích. Trong đánh giá, sử dụng cán bộ thì “lấy hiệu quả thực tế của công tác và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu”. Đối với những đảng viên cố tình vi phạm kỷ luật căn cứ theo Quy định số 47-QĐ/TƯ ngày 1-11-2011 về những điều đảng viên không được làm của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) thì phải xử lý nghiêm theo Quy định số 102-QĐ/TƯ, ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị khóa XII “Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”.
Cùng với đó là tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ trung ương đến địa phương, cơ sở; đổi mới cách ra nghị quyết, tăng cường tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết. Tiếp tục “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, khắc phục tình trạng rườm rà, bất hợp lý về thủ tục, giảm bớt giấy tờ, hội họp; sâu sát thực tế, cơ sở; nói đi đôi với làm”.
Xét cho cùng, sự thống nhất về mặt ý chí và hành động trong toàn Đảng là cơ sở tạo sự thống nhất về suy nghĩ và việc làm, thái độ và hành vi của đội ngũ đảng viên. Do đó, việc nói, viết và làm theo quan điểm, đường lối, quy định của Đảng không chỉ là yêu cầu đòi hỏi để góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, mà còn góp phần củng cố, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng - cội nguồn tạo nên sức mạnh trường tồn của Đảng ta trong gần 90 năm qua.