Tự hào truyền thống vẻ vang

Chính trị - Ngày đăng : 06:47, 27/02/2019

(HNM) - Ngày 3-3-1949 đã trở thành mốc son đánh dấu sự ra đời của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. 70 năm qua, lớp lớp thế hệ người làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ Hà Nội đã không ngừng nỗ lực vươn lên, trưởng thành, đắp bồi truyền thống vẻ vang của chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa và khoa giáo...


Bài đầu: Trưởng thành cùng thực tiễn cách mạng Thủ đô

Ngành Tuyên giáo của Đảng bộ Hà Nội đã trưởng thành cùng thực tiễn cách mạng Thủ đô. Trong ảnh: Thanh niên Hà Nội trong lễ phát động phong trào “Ba sẵn sàng” tại Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám, ngày 9-8-1964.


Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, ngành Tuyên giáo của Đảng bộ Hà Nội đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí và có những đóng góp quan trọng cùng Đảng bộ Thủ đô làm nên những chiến công vẻ vang. Đó là những năm tháng không thể nào quên, là nền tảng để những người làm công tác tuyên giáo Thủ đô tự hào tiếp bước.

1. Ngay từ khi thành lập (tháng 6-1930), Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo các đảng viên hoạt động bí mật làm nhiệm vụ tuyên truyền, giác ngộ cách mạng. Đội tuyên truyền xung phong được thành lập, gồm các đồng chí: Lê Đình Tuyển, Đinh Xuân Nhạ, Giang Đức Cường. Đội đã cùng với một số đảng viên Hà Đông - Sơn Tây như: Bùi Doãn Chân, Lều Thọ Nam, Hoàng Văn Năng… tích cực tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng của Đảng trong các tầng lớp nhân dân, tập hợp quần chúng vào các đoàn thể, ủng hộ phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, mở rộng và phát triển cơ sở cách mạng... Đây chính là tổ chức tiền thân của Ban Tuyên huấn Thành ủy Hà Nội sau này.

Sau những năm bị địch khủng bố trắng (1931-1935), từ năm 1936, cán bộ, đảng viên của Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ, Thành ủy thoát khỏi các nhà tù thực dân Pháp về Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây hoạt động. Khi thời cơ cách mạng đến, chỉ trong vòng 10 ngày (từ 17 đến 27-8-1945), ở cả Hà Nội, Hà Đông và Sơn Tây, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ, các địa phương đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội vào sáng 19-8-1945 là thắng lợi quyết định của cách mạng Việt Nam, đưa lịch sử Thủ đô Hà Nội và đất nước sang trang mới. Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thường vụ Xứ ủy, Đảng bộ Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân đoàn kết muôn người như một thực hiện khẩu hiệu “dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết”...

Những năm tiếp theo, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ Thủ đô không ngừng được quan tâm và rèn luyện. Trước yêu cầu nhiệm vụ kháng chiến của Hà Nội, tháng 10-1948, Liên khu ủy III quyết định tách tỉnh Lưỡng Hà trở về hai đơn vị cũ là Hà Nội và Hà Đông (Tỉnh ủy Lưỡng Hà được thành lập ngày 10-5-1948). Ban Tuyên huấn được tái lập, tuy có chương trình hành động nhưng cán bộ của Ban rất thiếu, nên nằm trong Ban Đảng vụ của Thành ủy, chưa có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ là một ban trong hệ thống công tác tổ chức xây dựng Đảng. Trong khi đó, Hà Nội là Thủ đô, nơi quân Pháp tạm chiếm nên nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân ngày càng đòi hỏi cao. Do vậy, Hội nghị Thành ủy diễn ra trong ba ngày 11, 12 và 13-2-1949 đã phân công các đồng chí Thành ủy viên trực tiếp phụ trách các ban xây dựng Đảng, kiện toàn và củng cố công tác tổ chức của Thành ủy.

Sau hội nghị này, ngày 3-3-1949, Thành ủy Hà Nội ra Nghị quyết số 18-NQ/TU về việc tách Ban Tuyên huấn ra khỏi Ban Đảng vụ; đánh dấu mốc lịch sử về sự ra đời của cơ quan Tuyên huấn - Ban Xây dựng Đảng tham mưu cho Thành ủy và thực hiện các hoạt động về công tác chính trị tư tưởng - văn hóa, nay là Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

2. Ngay khi thành lập, nhiệm vụ tuyên truyền vận động, huấn luyện của các Ban Tuyên huấn đã bám sát theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (tháng 1-1949) về tích cực cầm cự, chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công, tất cả để chiến thắng thực dân Pháp xâm lược. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tổ chức tuyên huấn của Đảng bộ Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây từng bước trưởng thành và phát triển toàn diện. Với tinh thần cách mạng tiến công, đội ngũ cán bộ, đảng viên Ban Tuyên huấn đã vượt qua nhiều thiếu thốn, không quản ngại gian khổ, hy sinh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, với đường lối kháng chiến do Đảng lãnh đạo để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, đóng góp sức người, sức của, vững tin vào đường lối kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi của Đảng. Công tác tư tưởng của Đảng bộ mà Ban Tuyên huấn là cơ quan nòng cốt, đã xung kích đi đầu, có những đóng góp to lớn, tạo thành sức mạnh đoàn kết, thống nhất, chiến thắng thực dân Pháp, giải phóng Thủ đô.

Trong giai đoạn 1954-1965, sau hòa bình lập lại, ở miền Bắc có những khó khăn phức tạp tác động rất lớn đến công tác tư tưởng. Ban Tuyên huấn Thành ủy đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách về thuế, thu đổi tiền, xây dựng nền văn hóa mới, xóa nạn mù chữ, cải tạo hủ tục, chống mê tín dị đoan…

Ngay sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960) đề ra đường lối đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đường lối cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), Ban Tuyên huấn Thành ủy đã mở nhiều đợt tuyên truyền giáo dục cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, đặc biệt là cuộc vận động chỉnh huấn mùa xuân năm 1961. Đây là cuộc vận động sinh hoạt, học tập lý luận chính trị lớn nhất ở Thủ đô kể từ sau hòa bình được lập lại ở miền Bắc.

Là Thủ đô của cả nước, Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm chống Mỹ cứu nước (1965-1975), Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Tỉnh ủy Hà Tây (hợp nhất từ Hà Đông và Sơn Tây năm 1965) đã tham mưu, chỉ đạo hướng dẫn các cấp, các ngành trong khối tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên mọi lĩnh vực.

Tuyên truyền tin chiến thắng của quân và dân hai miền Nam - Bắc, về gương của những tập thể, đơn vị xuất sắc, gương “người tốt, việc tốt”. Một hình thức sinh hoạt mới được Hà Nội áp dụng là “Báo công, lập công” có tác dụng giáo dục sâu sắc, lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia; đồng thời có các kế sách đúng, sáng tạo các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, đặc biệt là đã góp phần tuyên truyền, khích lệ động viên quân dân làm nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12-1972).

Ngoài ra, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân Hà Nội, Hà Tây đã chi viện đắc lực cho tiền tuyến, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Mùa xuân năm 1975, quân và dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam. Ngày 30-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, non sông thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và các cuộc chiến đấu, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, biết bao người con của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội, xứ Đoài đã anh dũng ngã xuống trên các chiến trường. Trong đó, có 4 cán bộ Tuyên giáo Thủ đô là liệt sĩ. Đó là các đồng chí Trần Hách, Nguyễn Thanh Bình, Đỗ Văn Hữu (tức Tô Sen), Nguyễn Bá Dương. Tinh thần cách mạng và sự hy sinh anh dũng của các đồng chí là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ Tuyên giáo Thủ đô học tập, noi theo.

(Bài viết sử dụng tư liệu do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cung cấp).

Quốc Bình