Sở NN&PTNT phải đổi mới tư duy và lan tỏa tinh thần đổi mới
Chính trị - Ngày đăng : 08:45, 27/02/2019
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chủ trì buổi làm việc với Sở NN&PTNT. |
Tham gia buổi làm việc có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; lãnh đạo các ban Đảng Thành ủy và Văn phòng Thành ủy; các sở, ngành thành phố.
“Tam nông” phát triển ấn tượng
Báo cáo Bí thư Thành ủy về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, Sở hiện có 2.717 cán bộ, công nhân viên, người lao động.
Năm 2018, ngành Nông nghiệp tăng trưởng đạt 3,6% so với cùng kỳ năm 2017, đánh dấu một bước phát triển mới trong kế hoạch tái cơ cấu sản xuất của nông nghiệp Thủ đô. Trong năm qua, Sở đã chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch sản xuất, các biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn chống hạn, chống rét và gieo trồng; không để xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm. Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt 251.697 ha, bằng 92,82% so với năm 2017. Tổng diện tích cây lâu năm có 20.877,5ha. Toàn thành phố có 5.044ha diện tích sản xuất rau an toàn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Đáng lưu ý, năm 2018, tổng số đầu con vật nuôi trên địa bàn tăng 2,13% so với năm trước; sản lượng thịt gia súc, gia cầm cũng tăng 1,76%. Thủ đô đã hình thành nhiều vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá với sản lượng chiếm 40% tổng sản lượng thuỷ sản toàn thành phố. Nhiều mô hình đem lại lợi nhuận từ 100-150 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, Hà Nội có 126 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng 20 mô hình so với năm 2017. Thành phố cũng đang duy trì 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; đã xây dựng 40 nhãn hiệu được bảo hộ như: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn chín muộn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê...
Ngoài ra, kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới cũng có nhiều thành công. Đến nay, có 4 huyện và 325/386 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong 61 xã còn lại, có 52 xã đạt và cơ bản đạt 15-18 tiêu chí, 9 xã đạt và cơ bản đạt 11-14 tiêu chí. Đời sống nông dân ngày càng được cải thiện, đến nay thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã đạt 46,5 triệu đồng/người/năm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nêu rõ 7 hạn chế, 3 nguyên nhân, 7 nhiệm vụ thời gian tới và 10 kiến nghị, đề xuất. Đáng chú ý, năm 2019, ngành Nông nghiệp Hà Nội quyết tâm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn giá trị tăng cao, trên cơ sở thực hiện cơ cấu lại ngành gắn với xây dựng nông thôn mới...
Ngoài ra, các chỉ tiêu đặt ra trong năm nay là tốc độ tăng trưởng ngành từ 2,5% đến 3%; giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp theo giá cố định tăng 3,19%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 131,15 triệu đồng, tăng 8,9% so với năm 2018. Thành phố cũng đặt mục tiêu tăng thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Đổi mới tư duy, hướng tới thị trường quốc tế
Sau khi nghe cán bộ chủ chốt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi, làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc; lãnh đạo các cơ quan thành phố thảo luận, giải đáp các kiến nghị, đề xuất, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã phát biểu kết luận buổi làm việc. Đồng chí Hoàng Trung Hải cho rằng, đây là buổi làm việc có ý nghĩa thiết thực khi đứng trước yêu cầu tăng tốc phát triển của năm 2019. Ngành Nông nghiệp và lãnh đạo các cơ quan thành phố đã lắng nghe, chia sẻ, trao đổi thấu đáo về những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận buổi làm việc với Sở NN&PTNT. |
Bí thư Thành ủy Hà Nội biểu dương, đánh giá cao toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động của ngành Nông nghiệp Thủ đô đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ năm 2018 đạt kết quả cao. Ngành Nông nghiệp đã có nhiều khởi sắc, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đạt mức tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu sản xuất và cơ cấu lao động nông thôn tích cực... Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng lên; có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất tiếp tục tăng đạt mức cao hàng đầu cả nước; chủ động ứng phó với những tình huống đột xuất, bất ngờ, tiêu biểu là đợt mưa ngập xảy ra ở huyện Chương Mỹ... Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tích cực chăm lo công tác xây dựng Đảng, thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và Thành ủy.
Tuy nhiên, theo đồng chí Hoàng Trung Hải, nông nghiệp, nông thôn Hà Nội còn nhiều hạn chế, khó khăn như: Thu nhập của người dân còn thấp, khoảng cách phát triển giữa các huyện, các xã nông thôn còn lớn; vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn rất đáng lo ngại...
Đồng chí Hoàng Trung Hải yêu cầu phải trả lời câu hỏi vì sao nông nghiệp Thủ đô chưa “lớn” được. Bởi hướng đi của ngành là tích cực, nhất là việc xây dựng các mô hình sản xuất hàng hoá tập trung gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng công nghệ, đưa các cây trồng, vật nuôi có giá trị cao vào sản xuất... Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa chuyển dịch mạnh, diện tích lúa còn chiếm quá lớn; các mô hình sản xuất tập trung chưa nhiều và còn nhỏ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, mấu chốt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đổi mới tư duy và lan tỏa tinh thần đổi mới đó trong toàn ngành và toàn thể nông dân thành phố. Đó là tư duy hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hướng sản phẩm nông nghiệp Thủ đô tới các thị trường rộng lớn của thế giới. Việc đổi mới tư như vậy sẽ kích thích ngành Nông nghiệp nỗ lực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh; nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư; tăng cường liên minh, liên kết...
Đặc biệt, với trách nhiệm chủ nhiệm một trong những đề tài nghiên cứu trọng điểm phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tập trung phân tích đánh giá kỹ hơn bối cảnh, tình hình, tìm kiếm các giải pháp khắc phục hạn chế, khó khăn đang đặt ra. Đây chính là những nội dung mới, những vấn đề đột phá mà thành phố đang cần.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thể hiện tốt hơn nữa vai trò kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp; không nên hạn chế mô hình, không nhất thiết cứ phải phát triển sản xuất qua hợp tác xã; nếu doanh nghiệp có thể làm việc thẳng với nông dân thì nên ủng hộ. Các mô hình kết nối, hợp tác để gia tăng giá trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp phải thật linh hoạt, không máy móc, cứng nhắc, giáo điều. Trách nhiệm chính trong nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, liên minh, liên kết là của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đồng chí Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp công ích, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc; lấy hiệu quả kinh doanh và thu nhập của lao động làm thước đo.
Về xây dựng nông thôn mới, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tham mưu, phối hợp để có cơ chế đặc biệt hỗ trợ các huyện, xã khó khăn vươn lên, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương với nhau; đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí ở những huyện, xã đã đạt chuẩn.
Đồng chí Hoàng Trung Hải cũng lưu ý, thời gian tới, Sở phải chú trọng vào những nhiệm vụ cấp thiết như bảo vệ an toàn đê, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đối với các dự án cấp bách như trạm bơm Liên Mạc, Sở cần phối hợp với các sở, ngành thành phố xem xét, đề xuất, cần thiết và nếu điều kiện cho phép có thể chuyển đổi hình thức đầu tư sang sử dụng vốn ngân sách.