Để phục vụ tốt hơn...
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:37, 01/03/2019
Những năm gần đây, Hà Nội luôn là địa phương nằm trong tốp đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực. Trong đó, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến có đóng góp không nhỏ vào kết quả này. Cụ thể, thành phố đã triển khai diện rộng Hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của thành phố tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tích hợp chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ... Đặc biệt, đến nay, thành phố đã triển khai hơn 1.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (đạt 55%), trong đó có 139 dịch vụ công mức độ 4.
Thành quả đạt được không đơn thuần là những con số, mà ý nghĩa hơn là đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. Người dân đã có thể đăng ký hồ sơ trực tuyến mọi lúc, mọi nơi và được hỗ trợ thông tin trực tuyến; giảm bớt thông tin dữ liệu cần cung cấp khi làm thủ tục hành chính; ứng dụng các phần mềm liên thông giúp rút ngắn thời gian giải quyết nhiều loại hồ sơ hành chính... Đáng chú ý, công dân thực hiện thủ tục hành chính đã được thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến; trả kết quả trực tuyến hoặc gửi trực tiếp, qua đường bưu điện (mức độ 4).
Cái được lâu dài là các quy trình giải quyết hồ sơ hành chính được công khai, minh bạch, giúp người dân, doanh nghiệp dễ hiểu, dễ thực hiện. Trách nhiệm đội ngũ cán bộ thực thi công vụ từ cấp thành phố đến cấp xã tiếp tục được nâng lên một bước cao hơn, luôn đặt nhiệm vụ phục vụ tốt tổ chức, cá nhân là ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay vẫn cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trong đó cần khắc phục ngay những việc như lỗi phần mềm; cập nhật kịp thời quy định pháp luật lên hệ thống; nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin... Đặc biệt, các cấp, ngành thành phố cần thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 12-2-2019 của UBND TP Hà Nội, triển khai công nghệ thông tin TP Hà Nội năm 2019. Trong đó, phấn đấu có 100% văn bản giao dịch giữa các cơ quan hành chính nhà nước của thành phố dưới dạng điện tử (trừ văn bản không chuyển qua mạng theo quy định). Thực hiện tốt mục tiêu này để bảo đảm tính liên thông qua mạng thực chất, tránh tình trạng tiếng là giao dịch điện tử nhưng vẫn tồn tại "tư duy văn bản giấy".
Cũng để giải quyết tốt các nhiệm vụ trên, vấn đề con người rất quan trọng, đó là nhân sự thực hiện và công dân tiếp nhận dịch vụ. Trong đó, đội ngũ cán bộ thực thi công vụ cần tiếp tục được nâng cao trình độ một cách đồng bộ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 "rõ" (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả) và "một việc - một đầu mối xuyên suốt". Cùng với đó, người dân cũng phải trở thành "Công dân điện tử", nói dễ hiểu là cần thay đổi nhận thức, biết sử dụng thành thạo công nghệ thông tin để thực hiện thủ tục hành chính qua mạng chính xác, hiệu quả. Bên cạnh sự nỗ lực nâng cao trình độ của người dân, các cấp, ngành liên quan cần tăng cường hướng dẫn công dân sử dụng dịch vụ công ngay tại nơi cư trú, tại cơ quan hành chính, trong trường học đối với học sinh...
Hoàn thiện và vận hành tốt hệ thống dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là Hệ thống một cửa điện tử thành phố dùng chung 3 cấp sẽ tiếp tục phục vụ người dân tốt hơn, qua đó góp phần xây dựng "Chính quyền điện tử" mà TP Hà Nội đang hướng đến.