Có cơ chế kiểm soát sau đầu tư để khắc phục tình trạng chuyển giá
Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 01/03/2019
Bên cạnh những vấn đề liên quan tới phát huy vai trò của FDI đối với nền kinh tế trong nước, khắc phục những bất cập trong giải quyết cáctồn tại của đô thị, xã hội và chuyển giao công nghệ, các thủ tục, quy trình mở rộng đầu tư dự án..., Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ, ngành làm rõ các cơ chế tài chính, mà chủ yếu là thuế, để cơ cấu lại việc thu hút FDI theo ngành, lĩnh vực...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi sử dụng đất cần xác định phù hợp với từng thời kỳ khác nhau; đồng thời tính toán thu hút FDI trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ và tính toán áp dụng các giải pháp chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước.
Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam cần có cơ chế kiểm soát doanh nghiệp FDI nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong cơ cấu vốn đầu tư, cũng như cơ chế kiểm soát tài sản hình thành sau đầu tư để khắc phục tình trạng chuyển giá. Xây dựng hệ thống chuyên biệt trong Thanh tra thuế để xử lý tình trạng chuyển giá hiệu quả hơn; xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin quốc gia chia sẻ thông tin FDI từ đăng ký, đầu tư mở rộng, doanh thu, lợi nhuận, chi phí.
Sau buổi làm việc, Ban soạn thảo sẽ xây dựng dự thảo Đề án định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2030 để Ban Cán sự đảng Chính phủ cho ý kiến, trước khi trình Bộ Chính trị vào tháng 4-2019.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết có 21.400 doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước (chiếm khoảng 3% tổng số doanh nghiệp). Tổng hợp báo cáo tài chính của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài từ năm 2011 đến 2017 cho thấy, các doanh nghiệp duy trì mức tăng trưởng cao về doanh thu và lợi nhuận. Hiện khối này đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất nhập khẩu (chiếm trên 70%), thu ngân sách nhà nước (chiếm 15%).