Diễn biến tích cực trên hầu khắp các lĩnh vực

Chính trị - Ngày đăng : 07:27, 02/03/2019

(HNM) - Chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2-2019 diễn ra chiều 1-3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên tại Hà Nội rất gấp nhưng được triển khai hoàn hảo.

Du khách nước ngoài tham quan Hà Nội trong những ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên.Ảnh: Bá Hoạt


Kỷ lục mới về khách quốc tế đến Việt Nam

Nhắc lại kết quả phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2019 vừa kết thúc với 2 nội dung chính, gồm: Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2019; bàn thảo một số nội dung quan trọng khác. Chính phủ đánh giá, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 tiếp tục ổn định, diễn biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,8% so với tháng trước. Lạm phát cơ bản tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với quy luật tháng Tết hằng năm.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 5,9% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 9,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI (kể cả dầu thô) tăng 4,3%. Cả nước có gần 16.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; có trên 10.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 48,2% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tăng 9,8%. Đây cũng là mức tăng cao nhất của 2 tháng đầu năm trong vòng 3 năm trở lại đây cả về giá trị và tốc độ tăng. Trong khi đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 đạt gần 1,59 triệu lượt, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là tháng Việt Nam đón lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định, còn những khó khăn, thách thức và một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới như vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước giảm, diễn biến dịch bệnh phức tạp...

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ lưu ý tiếp tục ưu tiên củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực; tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới…

Giải đáp nhiều vấn đề "nóng"

Sau phần thông tin của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nhiều câu hỏi được phóng viên tiếp tục đặt ra với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đến việc đấu thầu chọn nhà đầu tư nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất; giá gạo sụt giảm mạnh; vấn đề dâng sao giải hạn để trục lợi… đã được giải đáp.

Liên quan đến câu hỏi về phương án vốn cho nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông thông tin, trên cơ sở quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã được phê duyệt, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông - Vận tải đặt nhà ga T3 là một trong những công trình ưu tiên đầu tư. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tập đoàn FLC đã đề nghị được tham gia.

“Theo quy định, nếu có nhiều hơn một nhà đầu tư thì cần tổ chức đấu thầu cạnh tranh. Chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật" - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Trả lời câu hỏi liên quan đến dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã đề nghị thành lập các đội phản ứng nhanh, thị sát tình hình kiểm soát dịch bệnh ở các tỉnh. Về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin thêm, Chính phủ đang bàn cải tiến các quy trình, tăng giá đền bù lợn nhiễm dịch cho nông dân lên mức bằng 70% giá thị trường.

Trước diễn biến giá lúa giảm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chức năng đã đến một số địa phương có lượng gạo bán lớn để đề xuất việc tạm trữ, thu mua gạo. Vì vậy, mấy ngày gần đây, giá lúa gạo đã tăng đáng kể.

Tuy nhiên, việc sản xuất phải gắn với đầu ra, giải cứu không phải là giải pháp lâu dài. Cũng tại buổi họp báo, đại diện Bộ Công Thương cho biết, việc kiểm tra vụ xe công đón người nhà Bộ trưởng Bộ Công Thương tận chân cầu thang máy bay vẫn đang trong tiến trình xử lý.

Đối với hệ thống Quỹ hưu trí tự nguyện, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, mặc dù Chính phủ và Bộ Tài chính đã hoàn tất một số quy định pháp lý, nhưng sau nhiều năm loại hình quỹ này vẫn chưa ra đời để hỗ trợ cho hệ thống quỹ hưu trí cũng như có thêm nguồn vốn cho thị trường chứng khoán.

Đây là vấn đề rất mới, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu để ban hành Thông tư hướng dẫn về thỏa ước của người lao động trong việc mua chứng chỉ quỹ cũng như tính toán chương trình phần mềm để có thể quản lý được các tài khoản cá nhân khi giao dịch các chứng chỉ quỹ này.

Về vấn đề dâng sao giải hạn, làm lễ cầu bình an tại các chùa, đóng phí rất cao và gây phản cảm, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết: Bộ VHTT&DL với nhiệm vụ, chức năng quản lý nhà nước của mình đã có sự phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan có công văn chỉ đạo cũng như hướng dẫn với các cơ sở Phật giáo trên địa bàn cả nước, kịp thời có những biện pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục và kịp thời có hành động chấn chỉnh những hiện tượng nêu trên, không để cho những nhu cầu trong sáng, lành mạnh của người dân bị lợi dụng biến thành dịch vụ để trục lợi. Bộ cũng đã chỉ đạo Cục Văn hóa cơ sở có văn bản tới các địa phương để tăng cường phối hợp, kịp thời phát hiện, xử lý các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động quản lý lễ hội cũng như quản lý các hoạt động văn hóa trong các di tích.

Bách Sen