Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển
Xã hội - Ngày đăng : 06:21, 03/03/2019
Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2019) và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2019), phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xung quanh công tác này.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Ảnh: Nguyễn Bích |
Tăng cường đối ngoại biên phòng
- Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng đã triển khai chủ trương xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển như thế nào, thưa Thiếu tướng?
- Việt Nam có cả đường biên giới trên bộ, trên biển với tổng chiều dài 7.913km. 44/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới, bờ biển. Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đặc biệt coi trọng chiến lược đối ngoại biên phòng giữa Việt Nam và các nước láng giềng để giữ gìn đường biên cho đất nước.
Thực hiện định hướng đó, Bộ đội Biên phòng luôn xác định, công tác đối ngoại biên phòng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Các hoạt động đối ngoại biên phòng được triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và đạt nhiều thành tựu nổi bật. Đó là: Quan hệ biên phòng với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia đã đi vào chiều sâu, hợp tác, hiệu quả, nền nếp, chính quy. Bộ đội Biên phòng phối hợp với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới các nước láng giềng tổ chức tuần tra song phương, qua đó đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động buôn lậu, xuất, nhập cảnh trái phép; giải quyết tốt vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới Việt Nam - Lào; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng người dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên xuất, nhập cảnh trái phép sang Campuchia và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
- Thiếu tướng có thể nói rõ hơn về công tác đối ngoại biên phòng giữa Bộ đội Biên phòng Việt Nam với chính quyền các địa phương, lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng?
- Quan hệ đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng với chính quyền các địa phương, lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng được Bộ đội Biên phòng triển khai đồng bộ, thường xuyên ở cả 4 cấp: Bộ Quốc phòng; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố; đồn biên phòng. Gần 10 năm qua, Bộ đội Biên phòng đã tiến hành hơn 4.000 lần tổ chức tuần tra song phương với gần 20.000 lượt cán bộ, chiến sĩ hai bên tham gia. Bộ đội Biên phòng đã tham mưu và tổ chức tốt các chương trình “Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc”; giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị”; thường xuyên phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới của hai nước bạn Lào, Campuchia tổ chức các chương trình giao lưu hữu nghị biên giới; cùng với Công an Biên phòng Trung Quốc tổ chức giao lưu công tác chính trị phù hợp, hiệu quả.
Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố đã tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức kết nghĩa 176 cụm, bản dân cư hai bên biên giới ở 20/25 tỉnh có tuyến biên giới trên đất liền. Các đồn biên phòng hai bên biên giới cũng tổ chức kết nghĩa với 141 cặp/265 đồn biên phòng của nước ta và nước bạn. Thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường”, Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã nhận đỡ đầu 178 học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nước bạn ở khu vực biên giới, trong đó có 87 học sinh người Lào, 91 học sinh người Campuchia. Nhiều văn bản, thỏa thuận hợp tác biên phòng được ký kết, tạo hành lang pháp lý để triển khai các hoạt động đối ngoại biên phòng…
Biên giới vững, lòng dân yên
- Cùng với đối ngoại biên phòng, Bộ đội Biên phòng còn chủ động nắm chắc tình hình chủ quyền lãnh thổ để giữ vững an ninh biên giới. Thiếu tướng có thể cho biết về vấn đề này?
- Những năm qua, Bộ đội Biên phòng đã triển khai đồng bộ các biện pháp, các mặt công tác nghiệp vụ, chú trọng thu thập thông tin trên 3 lĩnh vực: Xâm phạm chủ quyền, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã triển khai có hiệu quả biện pháp nghiệp vụ trinh sát biên phòng; kết hợp chặt chẽ giữa trinh sát và điều tra hình sự trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Từ năm 1997 đến nay, Bộ đội Biên phòng đã xác lập 230 chuyên án; phối hợp với công an đấu tranh 396 chuyên án; xây dựng 5.517 kế hoạch nghiệp vụ với 22.892 lượt cán bộ trinh sát tham gia đấu tranh với các loại đối tượng, bắt giữ, xử lý 57.268 vụ với hơn 100.000 đối tượng xâm phạm an ninh biên giới và trật tự an toàn xã hội; triệt phá gần 300 tổ chức, đường dây với 1.500 đối tượng phạm tội ở khu vực biên giới, phản động người Việt lưu vong, phản động lợi dụng tôn giáo, dân tộc chống đối chính trị…
- Những chiến sĩ mang quân hàm xanh - tên gọi thân thương mà người dân dành cho Bộ đội Biên phòng đã tập trung “xây dựng thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới như thế nào, thưa Thiếu tướng?
- Có thể khẳng định, Bộ đội Biên phòng luôn là lực lượng gần dân, hiểu dân, gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới. Điều đó được Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ở khu vực biên giới đánh giá cao.
Thấm nhuần quan điểm “dựa vào dân, dân là gốc, là chủ thể”, “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”, những năm qua, Bộ đội Biên phòng đã tích cực tham gia xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh tại các xã biên giới, hải đảo và tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đến nay, Bộ đội Biên phòng đã tăng cường 332 cán bộ cho các xã biên giới, trong đó có 263 đồng chí giữ chức danh trong cấp ủy; giới thiệu 1.447 đảng viên là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản; xóa 572 thôn, bản trắng đảng viên.
Nhằm xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở khu vực biên giới, các đơn vị Bộ đội Biên phòng còn tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức có hiệu quả phong trào tập thể, hộ gia đình, cá nhân tham gia tự quản đường biên, mốc giới và bảo đảm an ninh trật tự thôn, bản gắn với việc giao đất, giao rừng, sản xuất, phát triển kinh tế, trực tiếp tham gia giúp dân xóa đói, giảm nghèo… Do vậy, Bộ đội Biên phòng đã động viên, khuyến khích được hàng nghìn cá nhân, tập thể, hộ gia đình tham gia cùng với các lực lượng chức năng quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới.
Cửa ngõ giao lưu, hội nhập
- Để nhân dân đồng hành cùng tham gia giữ vững biên giới, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con được Bộ đội Biên phòng thực hiện như thế nào?
- Những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên các tuyến biên giới cơ bản ổn định, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Vì vậy, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mọi mặt cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới; đặc biệt là ý thức cảnh giác đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, phá hoại sự nghiệp cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kích động di cư tự do…
Bộ đội Biên phòng còn tham mưu cho các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” với nhiều mô hình và cách làm sáng tạo như: Thanh niên xung kích bảo vệ biên giới; phụ nữ vì biên giới; già làng, trưởng bản gương mẫu; tổ tàu, thuyền an toàn; bến, bãi an toàn… Các đơn vị còn thực hiện nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế…
- Biên giới không chỉ là phên giậu mà còn là cửa ngõ để giao lưu, hội nhập, thúc đẩy sự phát triển toàn diện, vững chắc của đất nước. Thời gian tới, Bộ đội Biên phòng sẽ làm gì để hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, thưa Thiếu tướng?
- Xác định là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng sẽ tiếp tục trau dồi phẩm chất, bản lĩnh chính trị, năng lực công tác, khắc phục khó khăn, thực sự gắn bó với cấp ủy, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới, là chỗ dựa vững chắc cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong sự nghiệp biên phòng toàn dân, quản lý, xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
Cùng với đó, chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác biên phòng với các nước láng giềng, tiến tới hợp tác với các nước trong cộng đồng ASEAN trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết, tôn trọng và cùng có lợi; phối hợp với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới các nước láng giềng duy trì tuần tra song phương. Bộ đội Biên phòng sẽ tiếp tục đồng hành cùng đồng bào các dân tộc khu vực biên giới trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội để xây dựng “thế trận lòng dân” nơi phên giậu Tổ quốc thực sự vững chắc…
- Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!