Tăng cả lượng và chất
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:25, 03/03/2019
Điều đó thể hiện qua tỷ lệ lao động có việc làm, năng suất lao động, hiệu quả công việc, mức thu nhập bình quân... Dự báo, đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo tại Hà Nội nhiều khả năng đạt mức 70-75% như mục tiêu đề ra tại Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay và tương lai, việc đánh giá mặt bằng chất lượng lao động cần được mở rộng phạm vi, xem xét trong mối tương quan với thị trường lao động không chỉ ở trong nước mà cả khu vực, châu lục và thế giới. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập ngày một sâu rộng, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia… mở ra cơ hội cho lao động Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, nhưng cũng đặt ra thách thức. Cam kết mở cửa thị trường lao động dẫn đến khả năng di chuyển lao động giữa các quốc gia và khi đó, lao động giá rẻ không còn là ưu thế, lao động chất lượng cao mới là yếu tố quyết định thành - bại của các doanh nghiệp trong bối cảnh sự cạnh tranh diễn ra gay gắt.
Hiện nay, theo đánh giá chung, Hà Nội vẫn cần thêm lao động chất lượng cao, chuyên viên cao cấp ở một số nhóm ngành liên quan tới công nghệ thông tin, công nghệ tái tạo, tài chính - ngân hàng… Trong điều kiện đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực cần có sự thay đổi về chất, với quan điểm chung là không chỉ hướng đến mục tiêu tăng trưởng về số lượng lao động qua đào tạo mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, sự chuyển biến nhanh chóng về ngành nghề, công nghệ. Nói cách khác, mục tiêu tăng trưởng số lượng lao động qua đào tạo phải đi liền với nâng cao chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Trong thời gian qua, nhận thức chung về đào tạo nguồn nhân lực đã có sự chuyển biến khá tích cực. TP Hà Nội luôn quan tâm, ưu tiên cho công tác đào tạo nguồn nhân lực; ngành Giáo dục “nghĩ nhiều hơn” đến việc định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh; tâm lý “sính bằng cấp” đã “nhạt” phần nào, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” được nhận diện và tìm cách khắc phục; doanh nghiệp quan tâm hơn đến việc sát cánh cùng cơ sở đào tạo nhằm tạo nguồn lao động, giảm gánh nặng đào tạo lại…
Sự thay đổi về nhận thức tạo bệ phóng hành động tích cực. Với công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung, hiện nay, hành động thiết thực nhất là hướng vào mục tiêu lấp đầy sự thiếu hụt của lực lượng lao động. Sự hạn chế đã được nhận diện, liên quan đến khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm, năng lực sáng tạo… Muốn vậy, các cơ sở giáo dục cần cân đối lại nội dung giảng dạy giữa lý thuyết và thực hành, trang bị cho người học những kỹ năng quan trọng, cần có khi tham gia vào thị trường lao động trong nước và quốc tế. Sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cần hướng đến sự thay đổi về chất, chủ động, thiết thực, hiệu quả, phù hợp lợi ích các bên. Để hỗ trợ cho công tác đào tạo, thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thực tế, cần có giải pháp nâng cao chất lượng thông tin về thị trường lao động cũng như dự báo chuyển động đổi mới công nghệ, ngành nghề.
Lấp đầy khoảng trống đó, chúng ta sẽ có lực lượng lao động có đủ năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa.