Nhắm ba mục tiêu lớn

Sức khỏe - Ngày đăng : 07:50, 03/03/2019

(HNM) - Tăng hiệu quả cai nghiện, giảm tội phạm do ma túy, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ở người sử dụng ma túy là ba mục tiêu được đề ra tại hội nghị triển khai Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 12-2-2019 của UBND TP Hà Nội...

Hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm là giải pháp thiết thực cho người nghiện trong quá trình cai nghiện, ổn định cuộc sống.


- Thưa bà, SCDI được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chọn là đơn vị hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí thực hiện mô hình thí điểm nêu trên. Vậy bà có thể chia sẻ một vài nét của khung mô hình này?

- Mô hình này nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về việc tăng cường cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, được xác định rõ trong Đề án Đổi mới công tác cai nghiện do Chính phủ phê duyệt. Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, triển khai thí điểm mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy”. Và chúng tôi vinh dự nằm trong số các đơn vị được tham gia vào quá trình xây dựng và triển khai khung mô hình này.

Hiện đã có nhiều mô hình trên thế giới về việc phối hợp liên ngành, hỗ trợ người sử dụng ma túy cai nghiện ở cộng đồng. Theo đánh giá ở Mỹ năm 2017, tỷ lệ người sử dụng ma túy tham gia chương trình bị bắt giữ vì phạm pháp thấp hơn 60% so với những người không tham gia chương trình; tỷ lệ có việc làm hoặc có thu nhập cao hơn 33%. Với việc Việt Nam áp dụng mô hình này - trước mắt thí điểm tại Hà Nội, chúng ta cũng có thể tranh thủ sự ủng hộ của các nhà tài trợ quốc tế. Hiện tại, Cục Quản lý lạm dụng chất gây nghiện và sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ (SAMHSA) đã cam kết hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh can thiệp cho người sử dụng ma túy.

- Thực hiện Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 12-2-2019 của UBND TP Hà Nội về triển khai thí điểm mô hình, SCDI sẽ làm những đầu việc gì và thể hiện vai trò giám sát ra sao?

- Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ cùng đơn vị chủ trì là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, chịu trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật và một phần tài chính, xây dựng hệ thống biểu mẫu, giám sát mô hình, tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn và kỹ thuật tại địa bàn thí điểm. Theo kế hoạch của thành phố, trong năm 2019, 2020, mô hình sẽ được thực hiện ở hai quận Long Biên và Nam Từ Liêm, mỗi quận lựa chọn ba phường tham gia thí điểm. Đối tượng áp dụng là người sử dụng, người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định trên địa bàn các phường tham gia thí điểm mô hình, hoặc người đã hoàn thành chương trình cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc đang thuộc diện quản lý sau cai tại cộng đồng.

Dự kiến trong tháng 5-2019, chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo cho các cán bộ quản lý, cán bộ các cơ sở cung cấp dịch vụ và cán bộ xã hội, công an tham gia mô hình; tập huấn nâng cao năng lực của các cơ sở cung cấp dịch vụ tham gia vào mô hình thí điểm. Bên cạnh đó, SCDI sẽ tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm tại các quốc gia thực hiện công tác điều trị, cai nghiện ma túy có hiệu quả. Ngoài ra, chúng tôi sẽ phối hợp và giám sát thực hiện các hoạt động chuyên môn, với sự vào cuộc của các chuyên gia hàng đầu người Mỹ trong việc phát hiện, tiếp cận, sàng lọc, đánh giá người sử dụng ma túy…, hỗ trợ điều trị nghiện, tư vấn sức khỏe, hỗ trợ pháp lý và cả tâm lý xã hội, tư vấn dự phòng tái nghiện…

- Tăng hiệu quả cai nghiện, giảm tội phạm do ma túy, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ở người sử dụng ma túy là mục tiêu được đề ra. Để mô hình đạt hiệu quả tốt nhất, chúng ta phải làm gì?


- Mục tiêu tổng quát của mô hình chính là tăng cường phối hợp giữa cơ quan thực thi pháp luật, y tế, xã hội và cộng đồng trong việc hỗ trợ người tham gia cai nghiện, giúp họ tiếp cận, thực hiện các dịch vụ y tế, xã hội và pháp lý phù hợp tại cộng đồng, nhằm đạt được hiệu quả điều trị cao nhất, giảm tỷ lệ tái nghiện, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và tái phạm tội do tác động của ma túy…

Để mô hình này đạt hiệu quả tốt, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng công an với các điều phối viên, nhân viên tư vấn và hỗ trợ hồi phục trong việc quản lý từng trường hợp cai nghiện cụ thể.

- Vậy đâu sẽ là những điểm nút chúng ta cần tháo gỡ để mô hình thí điểm này đạt hiệu quả?

- Nói một cách ngắn gọn, tính ưu việt của mô hình được thí điểm lần này tập trung ở hai điểm. Thứ nhất là tăng cường sự phối hợp giữa công an và lực lượng chuyên môn. Thứ hai, đầu tư một cách có chất lượng, với sự tư vấn của các chuyên gia Mỹ hàng đầu cho lực lượng chuyên môn làm về công tác điều trị cai nghiện, thay vì làm theo kiểu phong trào. Vì vậy, điều tôi lo ngại nhất là tư tưởng nóng vội. Đừng bao giờ nghĩ muốn cai là phải cai được ngay. Nếu chỉ giúp người nghiện cắt cơn một lần, sau họ lại tái sử dụng - coi như ta thất bại. Nút thắt ở đây chính là sự thay đổi về tư tưởng, để mọi người hiểu rằng, nghiện là bệnh mạn tính của não bộ, cần có quá trình điều trị lâu dài và kiên trì, trong đó vai trò của cộng đồng phải đặc biệt được phát huy trong hỗ trợ người tham gia cai nghiện.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Mai Hoa