Xứ bưởi bên sông Đồng Nai
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:58, 03/03/2019
Đặc sản xứ cù lao
Nhắc đến cái tên Tân Triều được gắn với giống bưởi thơm ngon nức tiếng gần xa, chúng tôi cứ ngỡ đó là một vùng đất mênh mông. Nào ngờ nơi ấy chỉ là một dải cù lao nổi lên giữa dòng sông Đồng Nai, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng chừng 40km. Nhìn trên bản đồ, sông Đồng Nai uốn lượn hiền hòa, trong đó một nhánh của con sông bất ngờ rẽ ra, ôm trọn làng Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu). Vì thế, làng bưởi Tân Triều là ngôi làng biệt lập với khu vực xung quanh khi con đường kết nối là cầu và những chuyến đò ngang.
Vườn bưởi tại làng Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. |
Tuy cách trở về địa lý, nhưng không ngăn được những trái bưởi Tân Triều vươn đi khắp mọi vùng đất khác. Đặc biệt, nghề trồng bưởi của người dân huyện Vĩnh Cửu được bắt nguồn từ những cây bưởi đầu tiên sinh sôi nảy nở trên cù lao Tân Triều. Ông Nguyễn Văn Thông, 71 tuổi, một nông dân trồng bưởi ở ấp 3 (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở vùng đất ven sông Đồng Nai nên rất hiểu về lịch sử vùng đất và cây bưởi ở đây. “Ngay từ khi hình thành vùng đất này, người dân ở đây đã trồng bưởi. Đó là những cây bưởi đầu tiên do các cha xứ người nước ngoài đi truyền đạo đem tới hồi cuối thế kỷ thứ XIX, cùng thời điểm với nhà thờ của giáo xứ Tân Triều được thành lập. Nhờ sự bồi đắp phù sa của dòng sông Đồng Nai rộng lớn, bưởi Tân Triều sau hàng trăm năm đã vượt ra khỏi cù lao, bao trùm gần hết địa phận huyện Vĩnh Cửu như ngày nay”, ông Thông kể.
Cũng vì thế, hiện nhiều nhà vườn ở Mã Đà, thuộc khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Vĩnh Cửu) cũng trồng bưởi, sống khấm khá nhờ trái bưởi. Riêng gia đình ông Nguyễn Văn Thông trồng bưởi đến nay cũng ba đời, hầu hết là bưởi đường lá cam. “Ở Vĩnh Cửu không chỉ riêng Tân Triều mà nhiều xã lân cận như Thạnh Phú, Bình Lợi, Bình Hòa… cũng trồng bưởi. Tất cả đều đạt chuẩn chất lượng của thương hiệu bưởi Tân Triều”, ông Thông cho hay.
Đi dọc tuyến đường hương lộ 15 tới đoạn gần ngã tư Bến Cá (xã Tân Bình), chúng tôi bắt gặp vườn bưởi rộng hàng chục héc ta của gia đình ông Đinh Văn Giỏi. Ông Giỏi bảo, gia đình ông vẫn bán bưởi cho các thương lái trên TP Hồ Chí Minh. “Vụ cuối năm 2018, tôi thu khoảng hơn 1.300 cặp bưởi, đều là loại bưởi đường lá cam. Giá bán dao động từ 120 đến 160 nghìn đồng mỗi cặp. Tuy bưởi có thể cho thu hoạch quanh năm nhưng dịp Tết Nguyên đán được coi là vụ chủ lực của các nhà vườn bởi đó là thời điểm nhu cầu nhiều, giá cũng cao hơn... Như vườn nhà tôi, trừ hết chi phí cũng bỏ ra được hơn trăm triệu đồng ở vụ cuối năm vừa qua”, ông Giỏi chia sẻ.
Theo Hợp tác xã Nông nghiệp - dịch vụ Tân Triều, xã Tân Bình có 352ha bưởi đặc sản, gồm các giống bưởi: Đường lá cam, đường hồng, đường da láng... Mùa bưởi ở đây bắt đầu từ tháng Mười và rộ lên vào tháng Một, tháng Chạp âm lịch. Thế nhưng trong năm vẫn có bưởi ra trái mùa, giá bưởi Tân Triều những lúc này cao hơn chính vụ chút ít...
Đưa cây bưởi vươn xa
Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, người dân ở huyện Vĩnh Cửu không chỉ duy trì chất lượng bưởi đã thành thương hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đưa vào danh sách các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý mà còn thay đổi theo thị hiếu của khách hàng. Đặc biệt, những người trồng bưởi ở Vĩnh Cửu đã có nhiều đổi mới, vừa liên kết làm du lịch nhà vườn, vừa tạo trái cây độc lạ phục vụ dịp lễ, Tết hay sản xuất các sản phẩm khác từ bưởi. Trong đó, các sản phẩm bưởi hồ lô, bưởi có hình bản đồ đất nước, bưởi hình chữ "tài, lộc"... đang được nhiều nhà vườn đưa ra thị trường. Đây là cách làm sáng tạo, không chỉ giúp người trồng bưởi nâng cao thu nhập mà còn đưa trái bưởi vươn xa hơn nữa.
Nói về việc này, ông Vũ Văn Sáng, chủ một vườn bưởi ở xã Thạnh Phú cho biết, dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, ông tạo được hơn 300 cặp bưởi có hình dạng độc lạ. “Gọi là độc lạ bởi nó có hình được tạo ra theo ý muốn chứ cũng khá quen thuộc với khách hàng những năm gần đây. Đó là bưởi hình quả hồ lô có thêm chữ "tài, lộc" và bưởi hình đất nước. Điểm khác biệt so với sản phẩm của những nông dân miền Tây là những quả bưởi của chúng tôi có giá thành rẻ hơn, chỉ khoảng 600-900 nghìn đồng/cặp. Tuy nhiên, so với các loại bưởi bán thông thường thì giá này cũng cao gấp 6-7 lần. Đặc biệt, nhờ những trái bưởi độc lạ này mà nhiều người biết đến bưởi Tân Triều hơn”, ông Sáng kể.
Có thể nói, việc tạo ra các sản phẩm độc đáo từ bưởi không chỉ là hướng đi mới của người trồng bưởi ở Vĩnh Cửu mà còn là cách để nâng tầm, tạo sự tiếp cận mới với thị trường của người trồng bưởi. Dẫn chúng tôi vào vườn bưởi Năm Huệ - một trong những mô hình vườn bưởi kết hợp du lịch nổi tiếng nhất xứ này, Bí thư Huyện ủy huyện Vĩnh Cửu Trần Trung Nhân cho biết, với mục tiêu phát triển nông nghiệp mà cây bưởi là chủ lực, huyện Vĩnh Cửu có chủ trương phát huy lợi thế của địa phương, đồng thời gìn giữ môi trường xanh - sạch, kết hợp du lịch được cho là hướng đi bền vững, thích hợp nhất ở Vĩnh Cửu.
Cũng theo ông Trần Trung Nhân, hiện nay diện tích bưởi của huyện Vĩnh Cửu vào khoảng 1.000ha. Ngoài tiêu thụ trong nước, bưởi Vĩnh Cửu chủ yếu xuất khẩu đi Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu... Người dân ở Tân Triều đã biết kết hợp trồng bưởi với kinh doanh du lịch sinh thái, phục vụ chủ yếu du khách từ TP Hồ Chí Minh và các vùng lân cận. Nhiều gia đình đã tạo ra những món ăn, đồ uống gắn liền với trái bưởi Tân Triều như gỏi bưởi, rượu bưởi... Vì thế, kiếm một vài trăm triệu đồng mỗi năm từ vườn bưởi là điều bình thường. Thậm chí, nhiều người còn gọi bưởi là “cây tiền tỷ” vì hầu hết các hộ trồng bưởi có quy mô, đúng kỹ thuật, liên kết với các doanh nghiệp thu mua có chỉ dẫn địa lý đều thu hàng tỷ đồng nhờ bưởi sau vài vụ.