Tăng cạnh tranh từ công nghiệp ô tô trong nước

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:37, 04/03/2019

(HNM) - Năm 2018, một sự kiện gây chú ý trong lĩnh vực ô tô là việc VinFast công bố các dự án sản xuất xe máy điện và ô tô. Cùng với Hyundai Thành Công và Thaco Trường Hải, “hiện tượng VinFast” đã thắp lại giấc mơ, được kỳ vọng là bước ngoặt lớn cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.


Tuy nhiên, cho đến khi những chiếc xe mang thương hiệu VinFast đến được tay người tiêu dùng và khẳng định được vị thế trên thị trường thì ngành ô tô trong nước vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Có thể thấy, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam dù đã qua hơn 2 thập niên hình thành, được hưởng nhiều lợi thế từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhưng đến nay vẫn chưa thể bứt phá, thị trường vẫn thiếu ổn định.

Những năm gần đây, để phát triển ô tô sản xuất, lắp ráp, cũng như thị trường ô tô trong nước, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp. Đặc biệt vào cuối năm 2017, ngành ô tô cùng lúc đón nhận hai quy định quan trọng. Đó là Nghị định 116/2017/NĐ-CP liên quan đến mặt hàng ô tô nhập khẩu và Nghị định 125 /2017/NĐ-CP liên quan đến ô tô sản xuất trong nước. Trong đó, Nghị định 116/2017/NĐ-CP đã "dựng" lên một số hàng rào kỹ thuật đối với ô tô nhập khẩu, bao gồm các quy định về thủ tục, cơ sở bảo dưỡng, bảo hành…

Ngay sau khi hai nghị định nói trên ra đời, thị trường ô tô trong nước đã chứng kiến sự thống trị của xe lắp ráp. Trong nửa đầu năm 2018, khi nhiều đại lý ô tô không có xe nhập khẩu để bán thì nhiều hãng sản xuất, lắp ráp không kịp đáp ứng nhu cầu. Doanh số xe sản xuất lắp ráp cao gấp 6 lần xe nhập khẩu.

Tuy nhiên, hơn một năm sau kể từ khi Nghị định 116/2017/NĐ-CP có hiệu lực, thị trường ô tô Việt Nam bắt đầu có những dấu hiệu “đảo chiều”. Những tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019, ô tô nhập khẩu lại tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là dòng xe bình dân, xe xuất xứ từ các nước trong khu vực ASEAN (như Thái Lan, Indonesia). Với việc “lật ngược thế cờ” này, dự báo doanh số ô tô nhập khẩu trong năm 2019 có thể sẽ không thua kém xe nội. Và chắc chắn sự cạnh tranh giữa xe trong nước và nhập khẩu sẽ ngày càng khốc liệt hơn.

Việt Nam với dân số gần 100 triệu người và tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh là một thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất ô tô. Nhưng làm thế nào để đủ sức cạnh tranh, chiếm lĩnh được thị trường là vấn đề khiến các nhà quản lý đau đầu. Nghị định 116/2017/NĐ-CP ra đời tạo ra "hàng rào" kỹ thuật đối với xe nhập khẩu.

Nhưng song song đó, từ tháng 1-2018 Việt Nam bãi bỏ mức thuế nhập khẩu ô tô 30% nội khối ASEAN lại là cơ hội để ô tô nhập khẩu từ các nước trong khu vực đổ vào Việt Nam. Và thực tế, do được miễn thuế nhập khẩu nên hiện nay một số nhà sản xuất trong nước đã dừng lắp ráp một số mẫu xe để chuyển hướng sang nhập khẩu nguyên chiếc từ thị trường ASEAN.

Rõ ràng, để ổn định thị trường và tạo cơ hội cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước vẫn đang là một bài toán không dễ giải. Nhưng diễn biến thị trường cho thấy, ngành sản xuất ô tô trong nước cần tiếp tục có những cải thiện mạnh mẽ hơn nữa, mà trước tiên là phải tạo được thị trường ổn định để doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất.

Câu chuyện thương hiệu ô tô VinFast cho thấy khát vọng lớn lao của doanh nghiệp, song để khát vọng nhanh chóng thành hiện thực Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thuận lợi cho sản xuất, phù hợp với các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký và thông lệ quốc tế.

Đặc biệt, cùng với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường tăng trưởng ổn định, là việc tập trung vào phát triển nền công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa với ô tô sản xuất trong nước, từ đó giúp giảm giá thành, nâng cao chất lượng để xe trong nước đủ sức cạnh tranh với xe nhập khẩu.

Tuấn Kiệt