Những chiếc xe máy cấp cứu đầu tiên ở Sài Gòn

Xã hội - Ngày đăng : 14:48, 04/03/2019

Xe máy cấp cứu đang dần trở nên quen thuộc với người dân quận 1. Đây là loại hình vừa được Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn đưa vào thí điểm.


14h, tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (quận 1, TP Hồ Chí Minh), chiếc xe máy được trang bị thuốc, vật tư y tế sẵn sàng lên đường cấp cứu bệnh nhân. Đây là ý tưởng mới vừa được bệnh viện thí điểm. "Chuẩn bị tinh thần đi, có ca cấp cứu là các bác sĩ chạy băng băng liền, cứu người là không chờ đâu" - người bảo vệ bệnh viện nói với chúng tôi khi đang chờ để được cùng các bác sĩ lên đường.


Chiếc xe máy trở thành xe cấp cứu

Trong phòng cấp cứu, bác sĩ trực Trần Thị Ngọc Thanh, đang kiểm tra lại hồ sơ bệnh án và tỉ mẩn ghi chú những trường hợp đã cấp cứu ngoại viện từ khi thí điểm mô hình cấp cứu bằng xe máy.

"Mô hình này mới thí điểm nhưng bệnh nhân ở khu vực trung tâm tin tưởng nên gọi nhiều", bác sĩ Thanh tự hào chia sẻ. Cô không quên đưa cho chúng tôi xem cuốn sổ ghi lại thông tin bệnh nhân cấp cứu bằng xe máy và khẳng định các bác sĩ của viện đều đến rất kịp thời.

"Đa số trường hợp gọi cấp cứu bằng xe máy là những bệnh nhân lớn tuổi, có tiền sử bệnh huyết áp, nhồi máu cơ tim hoặc người bị tai nạn giao thông. Khi có cuộc gọi, bằng mọi cách, bác sĩ phải tiếp cận nạn nhân càng sớm càng tốt. Vì thế, xe máy là phương tiện tốt nhất lúc này, với thực trạng giao thông thường hay tắc nghẽn ở trung tâm thành phố", bác sĩ Thanh giải thích.

Cổng vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn.


Chi tiết từng trường hợp cấp cứu ngoại viện bằng xe máy được các bác sĩ lưu vào sổ cẩn thận.


Nhanh chóng, kịp thời, tiện lợi là những yếu tố nổi bật giúp loại hình cấp cứu bằng xe máy trở nên vượt trội hơn so với xe cấp cứu truyền thống. Để đảm bảo được điều này, chiếc xe máy cấp cứu phải được trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết để hỗ trợ bệnh nhân. Hai chiếc xe máy được Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn chọn làm xe cấp cứu là xe ga đời mới, dễ điều khiển, đặc biệt là với bác sĩ, điều dưỡng nữ.

Phần sau xe được trang bị một cốp đựng dụng cụ cỡ lớn để chứa các trang thiết bị cần thiết cho một ca hồi sức cấp cứu. Các thiết bị này bao gồm dụng cụ sốc điện để can thiệp kịp thời các trường hợp ngưng tim; bộ đặt nội khí quản sử dụng khi bệnh nhân hôn mê, suy hô hấp; nẹp cố định vùng cổ để can thiệp kịp thời khi bệnh nhân gặp các vấn đề về cổ như gãy xương cổ; máy đo đường huyết, máy đo điện tim dùng để đo lượng đường trong máu và nhịp tim của bệnh nhân; máy hút đờm để cấp cứu các trường hợp suy hô hấp, thông đường thở,... Bên hông xe còn gắn hai chiếc túi chứa ống tiêm, dịch truyền, huyết thanh và đủ loại thuốc cấp cứu.

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Thanh kiểm tra lại các vật tư y tế trên chiếc xe máy cấp cứu của bệnh viện.


Bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cho biết: "Bộ dụng cụ thuốc, vật tư y tế và các trang thiết bị này đã được Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn phối hợp với Trung tâm 115 đề xuất lên Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và đã được cơ quan này đồng ý thông qua, quyết định cho thí điểm".

Bác sĩ Thanh cho biết thêm: "Với các trường hợp bệnh nhân gọi cấp cứu, chúng tôi phải đảm bảo đầy đủ thuốc và dụng cụ cấp cứu cho một ca hồi sức. Thông thường, khi bệnh nhân bị suy hô hấp, nhồi máu cơ tim, nhiễm siêu vi,… thời gian vàng để cấp cứu chỉ từ 1-3 giờ đầu. Vì vậy, chúng tôi phải có sự chuẩn bị tốt nhất trong trường hợp khẩn cấp".

Xe máy là phương tiện cấp cứu mới đang được thí điểm tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn.


Thời gian vàng cấp cứu người bệnh

16h, cuộc gọi từ Trung tâm 115 báo tin một bệnh nhân bị sốt cao liên tục cần được cấp cứu. Trong khi điều dưỡng gọi lại xác nhận địa chỉ và kiểm tra bước đầu tình hình bệnh nhân, bác sĩ Thanh cùng điều dưỡng Trần Quang Tú nhanh chóng lấy xe máy. Điều dưỡng Tú chạy đến đưa cho tôi mảnh giấy nhỏ: "Địa chỉ là hẻm 137 Trần Đình Xu, quận 1. Em nhớ nghe, không biết đường đi thì cố chạy theo bọn anh".


Tất cả lao đi trong sự vội vàng, sốt ruột vì đường phố sắp giờ tan tầm đang rất đông đúc. Không còi hú ưu tiên, trên thân xe chỉ có biểu tượng "cấp cứu 115", ê-kíp như chạy đua với thời gian, len lỏi vào từng ngõ ngách, sốt ruột nhìn từng giây đèn đỏ trôi qua.

5 phút sau, các bác sĩ có mặt trước nhà bệnh nhân trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Đình Xu. Một cụ ông hớt hải bước ra dẫn chúng tôi vào nhà. Khuôn mặt ông vẫn còn rõ sự sợ hãi. Bà cụ nằm trên giường giữa nhà, nhịp thở gấp, đắp chăn phủ kín người vì lạnh. Ngay lập tức, bác sĩ Thanh yêu cầu mọi người lùi bớt ra, khẩn trương khám bệnh. Trong khi đó, điều dưỡng Tú lấy dấu sinh hiệu (chỉ số huyết áp, nhiệt độ cơ thể, nhịp độ) của bệnh nhân.


Chẩn đoán ban đầu của bác sĩ cho thấy bệnh nhân bị nhiễm siêu vi. Các chỉ số cho kết quả khá nghiêm trọng nhưng may mắn đã được can thiệp sớm. Lúc này, điều dưỡng Tú nhanh chóng gọi về Trung tâm cấp cứu yêu cầu xe cứu thương 4 bánh đến đưa bệnh nhân vào bệnh viện.

Điều dưỡng Tú hướng dẫn đường cho xe cứu thương lớn đến nhà bệnh nhân qua điện thoại.


Trong khi tiêm thuốc và làm mát bệnh nhân, bác sĩ Thanh dặn dò: "Ông gọi người thân chuẩn bị đồ đạc đưa bà vào bệnh viện gấp. Trường hợp này phải đưa vào viện, nếu trễ sẽ nghiêm trọng hơn".

Người đàn ông lớn tuổi gật gù chạy vào trong nhà khoác vội chiếc áo sơ mi và lấy theo vài bộ đồ cũ. Căn nhà nhỏ chưa tới 30 m2, chỉ có 3 người già sống nương tựa vào nhau. Hỏi con cháu đâu, ông cho biết các con đã đi làm và ra ở riêng hết. Nhiều năm qua, cụ N.T.N.A (82 tuổi, ngụ quận 1) bị căn bệnh tăng huyết áp, nóng sốt kéo dài biết bao lần phải nhập viện. Mỗi lần như vậy, ông lại phải theo bà vào viện chăm sóc.


Ngồi trên chiếc ghế trước nhà, cụ N.T.A.N (86 tuổi, chị dâu bệnh nhân) cho biết: "Cấp cứu như thế này rất có ích cho người dân. Nó phù hợp với người già chúng tôi. Trong hẻm nhỏ mà xe lớn không vào được thì có xe máy rất tiện lợi".

Sau vài phút sơ cứu và truyền dịch, bệnh nhân hồi tỉnh nhưng vẫn chưa nói chuyện và cử động được. Ngay lúc này, tiếng xe cứu thương đã réo vang ngoài đầu hẻm. Trên xe, điều dưỡng Trần Thị Thiên Lý cùng tài xế mang theo băng ca chạy bộ vào nhà bệnh nhân.

"Trong lúc sơ cấp cứu, bác sĩ sẽ liên hệ nhân viên bệnh viện để điều động thêm xe cứu thương. Sau đó, việc đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại bệnh viện nào chúng tôi sẽ thực hiện theo yêu cầu của thân nhân", bác sĩ Thanh nói.

Lúc này, bác sĩ Thanh cùng hai điều dưỡng nhanh chóng đưa bệnh nhân lên băng ca, đẩy ra ngoài đầu hẻm và đưa lên xe cứu thương di chuyển đến bệnh viện.


Cười hiền lành sau khi hoàn thành ca cấp cứu, điều dưỡng Trần Thị Thiên Lý cho biết, niềm vui khi đến cứu người kịp thời đã níu chân chị gắn bó với nghề.

Mồ hôi vẫn còn đầm đìa trong cái nắng chiều oi ả, nữ điều dưỡng một mình cưỡi chiếc xe máy cấp cứu, tất bật trở về bệnh viện. Căn phòng bên hông phòng cấp cứu lại mở toang, điều dưỡng Lý đẩy chiếc xe máy đặt lại vị trí cũ. Cô cẩn thận kiểm tra tất cả dụng cụ đã được sử dụng và bổ sung những vật dụng mới vào túi đồ.


Lúc này, bác sĩ Thanh cũng vừa trở về bệnh viện, sẵn sàng với những ca cấp cứu tiếp theo trong ca trực kéo dài liên tục 24 giờ. Tay vuốt lại mái tóc mướt mồ hôi, chị cười hiền: "Bà cụ được đưa đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định rồi, cũng may mình đến cấp cứu kịp thời. Thời gian từ lúc tiếp nhận điện thoại cho đến khi tôi có mặt tại nhà bệnh nhân chắc chỉ mất có 5 phút".

"Nên triển khai rộng rãi tại các thành phố lớn"

Bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cho biết, sau 20 ngày thí điểm, bệnh viện đã có 26 lượt xe máy đi cấp cứu (trong tổng số 76 lượt xuất xe cấp cứu ngoại viện). Trong đó, 19 lượt xe cứu thương xuất song song và không có sự cố nào xảy ra đối với xe máy. Trung bình mỗi ca cấp cứu bằng loại phương tiện này đến nhà người bệnh là 5 phút ở khu vực trung tâm và 10-15 phút ở các khu vực lân cận.

Sài Gòn là thành phố đông dân nhất cả nước, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao nên tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra. Kẹt xe từ lâu nay vốn là nỗi ám ảnh của người bệnh và thân nhân khi mà xe cứu thương chỉ có thể nhích từng chút một. Không ít người đã phải "chết oan" vì không được cấp cứu sớm, đến bệnh viện trễ do ùn tắc giao thông. Mô hình cấp cứu ngoại viện bằng xe máy hi vọng sẽ trở thành giải pháp quan trọng để cấp cứu kịp thời ngày càng nhiều bệnh nhân.

Xe máy cấp cứu thích hợp với thực trạng giao thông đông đúc, thường xuyên xảy ra ùn tắc ở trung tâm các thành phố lớn.


Làm việc trong môi trường khá áp lực, thu nhập còn chưa cao, chiếc xe máy cấp cứu lại không có tín hiệu ưu tiên nên ê-kíp bác sĩ di chuyển khá khó khăn trong điều kiện giao thông đông đúc. Vậy mà bác sĩ Thanh, điều dưỡng Tú, điều dưỡng Lý và nhiều y bác sĩ khác tại viện vẫn hăng hái trên chiếc xe máy mang theo "cả thế giới" để cứu người.


Có lẽ với những y bác sĩ trẻ, niềm hạnh phúc khi đưa bệnh nhân thoát khỏi tử thần chính là động lực níu chân họ sống và cống hiến hết mình với nghề.

Theo Zing