Coi chừng “tiền mất, tật mang”
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:19, 04/03/2019
Tư vấn, thăm khám, tầm soát bệnh đái tháo đường tại Bệnh viện Nội tiết trung ương. Ảnh: Phương Thu |
Tử vong do tự dùng thuốc có chất cấm
Thời gian gần đây, Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân gặp biến chứng nặng, sau một thời gian tự ý dùng thuốc “tiểu đường hoàn” để điều trị và 4 trong số 5 bệnh nhân nhập viện đã tử vong. Tất cả họ đều có chung kết quả chẩn đoán, toan chuyển hóa do ngộ độc phenformin trên nền bệnh đái tháo đường tuýp 2. Kết quả xét nghiệm thuốc “tiểu đường hoàn” cũng dương tính với phenformin.
Gần đây nhất là bệnh nhân nữ (63 tuổi, ở phố Đội Nhân, quận Ba Đình, TP Hà Nội) bị đái tháo đường 3 năm nay, nhưng không điều trị bằng thuốc tây theo chỉ định của bác sĩ, mà uống “tiểu đường hoàn”. Khi thấy bệnh nhân mệt mỏi, kém ăn, buồn nôn, gia đình đưa vào Bệnh viện 354 điều trị.
Sau đó, bệnh nhân đau bụng nhiều, khó chịu, tiêu chảy, được chẩn đoán sốc do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, suy đa tạng và được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, dù được điều trị tích cực, song bệnh nhân đã tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, trên thị trường đã xuất hiện loại thuốc “tiểu đường hoàn” không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có chất phenformin và mạo danh là thuốc đông y. Điều đáng lo ngại, phenformin là hoạt chất giúp hạ đường huyết, nhưng do gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, chết người, nên đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới từ năm 1978.
Không chỉ vậy, nhiều bệnh nhân đái tháo đường còn bị bỏng nặng do tự ý đắp lá, chườm đá nóng, dùng đá muối… Điển hình là trường hợp cụ Nguyễn Xuân T. (82 tuổi, ở Hà Nam) mắc đái tháo đường 27 năm. Để giúp cụ giảm cảm giác tê bì ở chân, lưu thông khí huyết, người nhà đã mua một cặp đá được quảng cáo và rao bán trên mạng. Theo hướng dẫn sử dụng, cụ bà lấy cặp đá trên cho vào lò vi sóng quay nóng lên để chườm chân cho cụ.
Sau khi chườm 30 phút, cụ T. xuất hiện tình trạng huyết áp tăng, mặt đỏ. Khi gia đình phát hiện, chân cụ đã bị bỏng nặng. Hiện bệnh nhân đã được các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết trung ương cắt lọc, rửa vết thương hằng ngày. Tuy nhiên, tổn thương bỏng sâu hai chân lan rộng, nên việc điều trị gặp khó khăn và kéo dài…
Đây không phải trường hợp hiếm gặp khi bệnh nhân đái tháo đường tự ý chườm nóng bằng các phương thuốc khác nhau. Trung bình mỗi tháng, Khoa Chăm sóc bàn chân (Bệnh viện Nội tiết trung ương) tiếp nhận và xử lý khoảng 2-3 ca mắc tiểu đường bị bỏng với các mức độ khác nhau. Đặc biệt, có trường hợp phải cắt chi do biến chứng bỏng quá nặng, hoại tử sâu, không thể phục hồi.
Tự trang bị kiến thức cho bản thân
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường (Bệnh viện Nội tiết trung ương), nếu ngày xưa người dân thường vận động thể lực nhiều, đi lại bằng xe đạp, đi bộ…, thì giờ đây con người dần hình thành thói quen lười vận động, chủ yếu di chuyển bằng ô tô, xe máy, thậm chí, dành quá nhiều thời gian ngồi xem tivi, sử dụng điện thoại, máy tính, “nạp” nhiều đồ ăn nhanh chứa nhiều đường, uống nhiều rượu, bia…
“Chính lối sống lười vận động, ăn uống mất kiểm soát là nguyên nhân gây nên tình trạng gia tăng bệnh đái tháo đường như hiện nay”, bác sĩ Nguyễn Quang Toàn nói.
Bác sĩ chuyên khoa điều trị bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường bị biến dạng. |
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Trưởng khoa Chăm sóc bàn chân (Bệnh viện Nội tiết trung ương) khuyến cáo, đái tháo đường được coi là kẻ giết người thầm lặng. Tuy không gây ra cái chết nhanh chóng như các bệnh cấp tính khác, nhưng bệnh lại âm thầm tiến triển, khiến bệnh nhân gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.
Đáng bàn, bệnh tiểu đường có thể biến một người bình thường thành tàn phế chỉ vì thói quen tự chữa bệnh. Do đó, khi xuất hiện dấu hiệu bàn chân tê bì, người bệnh phải đến bệnh viện kiểm tra. Đây là dấu hiệu sớm nhất của biến chứng ở bàn chân. Tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà, nguy hiểm đến tính mạng.
Với người bệnh đái tháo đường, để giảm bớt nguy cơ biến chứng và ngăn chặn chỉ số đường huyết tăng cao không khó. Theo bác sĩ Nguyễn Quang Toàn, ngoài việc phải điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng cần tự trang bị kiến thức cho mình. Để cải thiện sức khỏe cho bản thân, người bệnh phải tránh ăn nhiều thức ăn có tinh bột hay đồ ăn có lượng đường cao.
Đái tháo đường là bệnh mạn tính, không thể chữa dứt điểm và cần được điều trị, quản lý, theo dõi liên tục, suốt đời, phối hợp với chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện phù hợp. Khi thấy đường huyết tăng cao cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và kiểm tra, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc không có hướng dẫn của bác sĩ.