Chủ động lành mạnh hóa cán cân xuất - nhập khẩu
Kinh tế - Ngày đăng : 10:32, 04/03/2019
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 2, nền kinh tế đạt kim ngạch xuất khẩu 14,6 tỷ USD, giảm 33,9% so với tháng trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 36,68 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng lưu ý, một số sản phẩm, hàng hóa chủ lực như điện thoại và linh kiện; thủy sản, rau quả... tạm thời suy giảm. Nhìn chung, kết quả tăng trưởng xuất khẩu nói trên chỉ là mức tăng thấp, đòi hỏi sự điều chỉnh để bù đắp trong thời gian còn lại của năm kế hoạch 2019.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đạt 36,76 tỷ USD nên cán cân thương mại quốc gia rơi vào tình trạng nhập siêu 84 triệu USD. Đây là sự đảo chiều khi nhập siêu thay thế vị thế xuất siêu của Việt Nam diễn ra trong suốt mấy năm vừa qua.
Nguyên nhân của vấn đề trên có nhiều, nhưng trước hết là do thông lệ giảm nhịp độ sản xuất, xuất khẩu trong tháng Tết Nguyên đán của cộng đồng doanh nghiệp.
Thêm vào đó, do chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam ngày càng cải thiện, làn sóng đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng mạnh mẽ nên số lượng dự án sẽ xuất hiện ngày càng nhiều.
Các dự án sẽ phải nhập khẩu dây chuyền sản xuất, máy móc, thiết bị chuyên dùng; đồng thời, chủ các dự án cũng phải nhập khẩu nhiều loại nguyên, phụ liệu... Do đó, nguy cơ gia tăng nhập khẩu, dẫn đến nhập siêu là khó tránh khỏi.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, năm nay và các năm tiếp theo, Việt Nam sẽ đẩy mạnh thực thi một số Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam - EU. Từ đó, các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, dẫn đến gia tăng sức hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam.
Trên thực tế, với một nền kinh tế đang phát triển, đẩy mạnh hội nhập quốc tế như Việt Nam thì hoạt động nhập khẩu có tính liên tục, khó tránh khỏi vì hoạt động kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của thế giới.
Tuy nhiên, cần xem xét kỹ cơ cấu hàng nhập khẩu để tiến tới sự lành mạnh. Trong đó, cần lưu ý kim ngạch nhập khẩu ô tô 2 tháng qua đã đạt 1 tỷ USD, tức tăng hai lần so với cùng kỳ và là hoạt động không nên khuyến khích.
Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu dầu thô lên tới gần 700 triệu USD, tức tăng gấp 16 lần so với cùng kỳ nhưng lại không đáng lo ngại bởi để phục vụ cho sự vận hành của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Từ đó, tạo ra sự chủ động đáp ứng nhu cầu trong nước hơn trước, đồng thời giúp giảm thiểu mức nhập khẩu xăng, dầu của cả nước.
Xét về lý thuyết, muốn cân bằng cán cân thương mại vẫn phải tập trung thực hiện tốt hai yêu cầu song song, gồm hạn chế nhập khẩu một cách hợp lý bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu. Riêng về xuất khẩu, cộng đồng doanh nghiệp cần hướng mạnh vào các thị trường trọng điểm, có sức mua lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU... nhất là những thị trường có ưu đãi thuế suất (thuế bằng 0%) đối với hàng Việt thông qua thực thi các hiệp định thương mại tự do.
Về phía doanh nghiệp, mỗi đơn vị cần nhận định rõ tình hình, tìm cách ứng phó phù hợp. Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường, năm nay có thể sẽ khó khăn hơn so với năm ngoái do nhu cầu thị trường tại một số nước giảm sút, ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Vì vậy, cần có biện pháp chủ động tiết kiệm chi phí đầu vào, tìm kiếm thị trường mới để duy trì xuất khẩu.
Bên cạnh đó, việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cũng rất quan trọng, để nâng cao khả năng cung ứng sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện từ nguồn nội địa; từ đó từng bước giảm nhập khẩu.
Thực tế dù nhập siêu đã xảy ra, nhưng còn cách xa so với dự báo nhập siêu có thể đạt khoảng 3 tỷ USD trong năm nay của Bộ Công Thương. Tuy vậy, cần theo dõi chặt chẽ để có biện pháp điều chỉnh kịp thời nhằm lành mạnh hóa cán cân xuất, nhập khẩu cả năm 2019...