Cấp giấy chứng nhận cho học sinh trượt tốt nghiệp: Thừa và chồng chéo?
Giáo dục - Ngày đăng : 15:48, 05/03/2019
Đây là điểm rất mới được quy định tại Điều 32, Dự thảo Luật Giáo dục. Tuy nhiên, vấn đề này đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.
Theo Dự thảo Luật Giáo dục, học sinh trượt tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Chồng chéo với học bạ?
Theo ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), thực chất, từ nhiều năm nay, học sinh sau khi học xong chương trình lớp 12 đã có chứng nhận hoàn thành, đó là trong học bạ. Học sinh phải học xong chương trình lớp 12 mới được dự thi tốt nghiệp. Trước khi thi tốt nghiệp, các em cũng đã phải làm các bài kiểm tra hết môn và điểm số được ghi học bạ. Việc thi chỉ để xét cấp bằng tốt nghiệp.
“Giấy chứng nhận tốt nghiệp cũng sẽ chỉ có giá trị trong nước. Vì vậy, nếu bên cạnh học bạ lại cấp thêm giấy chứng nhận sẽ là thừa”, ông Khang nói.
Đây cũng là quan điểm của ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội). “Theo quy định hiện hành, nếu học sinh học hết chương trình lớp 12 thì sẽ được ghi vào học bạ là hoàn thành chương trình. Nếu có thêm giấy chứng nhận nữa thì sẽ chồng chéo”, ông Hòa phân tích.
Lãnh đạo các trường cũng cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình chỉ nên có nếu không còn duy trì kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đồng tình với Dự thảo Luật Giáo dục. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội), việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình là việc “nên làm từ rất lâu” vì việc “học xong được cấp chứng nhận là điều tất yếu” và “với những công việc không yêu cầu phải tốt nghiệp trung học phổ thông thì giấy chứng nhận đó hoàn toàn có giá trị, không cần bắt học sinh phải tốt nghiệp”.
Ông Lâm cũng cho rằng, việc có thêm giấy chứng nhận hoàn thành chương trình sẽ giúp giảm bớt áp lực đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông với tỷ lệ cao, không phản ánh đúng chất lượng giáo dục và thực sự không khích lệ học sinh học tập như hiện nay.
Một số ý kiến cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông sẽ chồng chéo với học bạ. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Cần làm rõ giá trị
Không chỉ lo ngại về việc cần hay không cần giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông như Dự thảo Luật Giáo dục đưa ra, các chuyên gia cũng đặt câu hỏi về giá trị của giấy chứng nhận đến đâu, khác gì so với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông?
Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, Dự thảo Luật cần nêu rõ giấy chứng nhận khác gì với bằng tốt nghiệp về giá trị sử dụng, với học sinh được cấp bằng tốt nghiệp thì bằng đó giá trị khác như thế nào, hơn thế nào?
Đây cũng là băn khoăn của ông Nguyễn Văn Hòa. “Tôi cho rằng cần phải làm rõ ranh giới giữa giấy chứng nhận và bằng tốt nghiệp”, ông Hòa kiến nghị.
Tiến sỹ Nguyễn Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thậm chí kiến nghị phải làm rõ ba mức độ: Học sinh học chương trình lớp 12, hoàn thành chương trình và tốt nghiệp trung học phổ thông.
“Có những em chỉ học cho có nhưng không đảm bảo chất lượng để hoàn thành chương trình, càng không đủ năng lực để đỗ tốt nghiệp. Không phải cứ học sinh học đến lớp 12 là được chứng nhận hoàn thành chương trình”, ông Khuyến nói.
Ông Khuyến cũng cho rằng việc giao quyền cấp giấy chứng nhận cho hiệu trưởng các trường trung học phổ thông là phù hợp.
Cùng quan điểm này, tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, hiệu trưởng là người sẽ nắm rõ chất lượng đào tạo của trường, chất lượng học tập của học sinh, nên có thể cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình. “Khi đó, giấy chứng nhận sẽ gắn liền với thương hiệu của trường và hiệu trưởng sẽ phải có trách nhiệm với việc cấp giấy này”, ông Lâm phân tích.
Dự kiến, Dự thảo Luật Giáo dục sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2019.