Syria trước triển vọng tươi sáng
Thế giới - Ngày đăng : 07:02, 05/03/2019
Sự kiện được đánh giá là "dấu mốc quay trở lại hội nghị của Syria sau 8 năm vắng bóng", đồng thời là một bước đi khác của Damascus trong quá trình tái hòa nhập chính trị với khu vực.
Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất mở lại Đại sứ quán tại Syria từ cuối năm ngoái. |
Động thái trên diễn ra sau khi Chính phủ Syria giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ nước này. Dù một số khu vực vẫn còn rơi vào tay của lực lượng đối lập (SDF), người Kurd và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), song có thể khẳng định thế cờ đang nghiêng về phía Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ Mỹ không còn mấy thiết tha với những cuộc xung đột ở nước ngoài, mà ông chủ Nhà Trắng Donald Trump cho là tốn kém và không cần thiết. Trong khi đó, Anh - một đồng minh thân thiết của Mỹ - cũng dần thừa nhận trở lại vai trò của Chính phủ Syria. Mới đây, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt còn đưa ra nhận định, Tổng thống Bashar al-Assad sẽ tiếp tục tại nhiệm, lãnh đạo đất nước Syria thêm một thời gian nữa, với sự hậu thuẫn của Nga. Đây là lần đầu tiên một Bộ trưởng của Anh có phát ngôn thẳng thắn về tình hình thực địa ở quốc gia Arab này.
Xét tổng thể, những gì diễn ra tại Syria kể từ khi làn sóng cách mạng mang tên “Mùa xuân Arab” khuấy đảo Trung Đông và Bắc Phi từ năm 2011, ông Rodger Shanahan, một nhà nghiên cứu tại Viện Lowy ở Australia cho rằng, nếu so về mức độ ảnh hưởng ở Syria, Mỹ không thể sánh với Nga, Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ. Nga có lịch sử, một gói hợp tác quốc phòng và mối quan hệ chính trị gần gũi với Damascus. Iran hiện có nhiều mối liên kết chiến lược hơn, ngày càng gia tăng lợi ích thương mại, đồng thời nắm quyền kiểm soát hàng nghìn dân quân ủng hộ Tehran. Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ có lợi ích thương mại, hàng trăm kilômét đường biên giới chung và là nơi cư trú của hàng trăm nghìn người Syria. Vì vậy, nếu các bên liên quan không ngồi vào bàn đàm phán, cuộc chiến sẽ khó phân thắng bại và thiệt hại cũng sẽ khó có thể đong đếm.
Trên thực tế, ngay từ khi lên nắm quyền vào đầu năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không đưa ra nhiều chỉ dấu cho hành động của mình ở Syria. Nguyên do là vì ông chủ Nhà Trắng không hài lòng trước số tiền Mỹ phải bỏ ra ở khu vực và hoài nghi về hiệu quả của chúng. Sự hờ hững của Washington khiến cho lực lượng đối lập tại Syria dần trở nên yếu thế, địa bàn kiểm soát ngày càng bị thu hẹp. Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, nhiều điều tốt đẹp hơn đang chờ đợi Chính phủ Syria trong năm 2019. Dù Chính phủ Syria vẫn còn khá nhiều việc phải làm, song cơ hội để đưa đất nước thoát khỏi nội chiến ngày càng rộng mở hơn. Điều này có thể thấy rõ qua việc nhiều quốc gia Arab là đồng minh của Mỹ, từng tham gia hỗ trợ cho các lực lượng đối lập Syria chống Chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad, nay quyết định mở cửa trở lại Đại sứ quán ở thủ đô Damascus sau nhiều năm cắt đứt quan hệ ngoại giao. Đầu tiên là Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), tiếp đó là Bahrain và trong tương lai gần sẽ là Kuwait và các quốc gia Arab khác. Đây được coi là bước tiến lớn, sự thừa nhận rõ ràng nhất đối với thành quả mà chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã giành được.
Không chỉ mở lại đại sứ quán, Liên đoàn Arab (AL) đã sẵn sàng kết nạp trở lại Syria. Nói cách khác, chiến thắng trên thực địa đã đem đến những thắng lợi về mặt ngoại giao cho quốc gia này. Khi tình hình tại Syria thay đổi, vận mệnh của Chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad trở nên rõ ràng hơn, với chính sách ngoại giao thực dụng, các nước Arab sẽ khó lòng từ chối cơ hội hợp tác với Damascus trong tương lai. Chắc chắn, các nước láng giềng Trung Đông sẽ có nhiều lợi ích hơn với một Syria ổn định thay vì một Syria bất ổn.