Thúc đẩy sản xuất nông sản gắn với tiêu thụ
Nông nghiệp - Ngày đăng : 14:00, 05/03/2019
Quang cảnh diễn đàn thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019. |
Diễn đàn thu hút sự tham gia của nhiều bộ, ngành trung ương; UBND, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng; các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Đại diện Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu.
Theo Bộ NN&PTNT, 2018 đánh dấu một năm nỗ lực và thành công của ngành nông nghiệp. Ngoài việc tổ chức lại sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và liên kết tập trung sản xuất theo quy mô lớn, lựa chọn các sản phẩm thế mạnh để đầu tư, công tác tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu đều được quan tâm phát triển.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Đối với thị trường tiêu thụ trong nước, hạ tầng thương mại được đầu tư với hệ thống 8.600 chợ, 1.223 siêu thị, trung tâm thương mại; liên kết tiêu thụ theo chuỗi được đẩy mạnh với 1.096 chuỗi; 3.174 địa điểm bán sản phẩm; 7.000 cơ sở chế biến sản phẩm…".
Đặc biệt, năm qua, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 40 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 8,72 tỷ USD. Thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam ngày càng mở rộng và đã xuất khẩu tới hơn 180 quốc gia trên thế giới.
Một số mặt hàng nông sản đã xâm nhập được vào các thị trường “khó tính” như: Thịt gà xuất khẩu tới Nhật Bản, vú sữa vào Hoa Kỳ, chôm chôm vào New Zealand, chanh leo vào EU...
Trong năm 2018, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ: Công Thương, Ngoại giao và các cơ quan liên quan tổ chức đàm phán, giải quyết tháo gỡ các rào cản kỹ thuật về kiểm dịch động thực vật và các rào cản kỹ thuật trong thương mại nông sản, mở cửa thị trường các nước.
Tiếp nối thành công, năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD.
Tại diễn đàn, đại diện các chuyên gia, sở, ngành, địa phương cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, năm 2019 được dự báo xảy ra khó khăn, thách thức đối với sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Cụ thể, nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Cùng với đó, thách thức, nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi... ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung - cầu nông sản.
Ngoài ra, thị trường tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới (năm 2019 dự báo giảm) trong bối cảnh các nước trên thế giới quay lại tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp... nên nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu.
Trong khi đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc và những bất ổn xung quanh vấn đề Brexit cùng những bất ổn địa chính trị trên thế giới cũng ảnh hưởng tới việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Trước những khó khăn, thử thách nêu trên, các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau thảo luận, đề ra những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản.
Theo đó, ngành nông nghiệp cần triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành; phát triển cơ cấu sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực (sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý).
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, ngành nông nghiệp sẽ tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã; thu hút đầu tư doanh nghiệp tư nhân; xây dựng các mô hình theo chuỗi để nông sản Việt chủ động tại thị trường trong nước và nước ngoài; đồng thời, tiếp tục nâng cao năng lực chế biến nông sản, bảo quản, đóng gói, bao bì, nhãn mác để nâng cao giá trị sản phẩm...
Đặc biệt, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai các giải pháp tận dụng tối đa cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia; phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc nhằm tạo tiền đề vững chắc cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam đáp ứng khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế;
Đồng thời, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho các sản phẩm; duy trì và phát triển bền vững thị trường Trung Quốc; mở rộng thị trường nông sản tại các quốc gia có cơ cấu bổ sung với Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu, Trung Đông; lựa chọn và đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như: Nga, Trung Đông, châu Phi, ASEAN...
Bên cạnh đó là đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các thị trường xuất khẩu; tiếp tục đàm phán các hiệp định để mở rộng thị trường xuất khẩu…