Bảo đảm quyền đại diện của người dân
Chính trị - Ngày đăng : 07:19, 05/03/2019
Thông báo nêu rõ, Ban Cán sự đảng Chính phủ nhất trí về mục tiêu đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền. Đồng thời, đề nghị làm rõ thêm mô hình tổ chức mới, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và tạo sự đồng thuận cao trước khi trình Bộ Chính trị, Quốc hội. Về phạm vi, cần quán triệt kết luận của Bộ Chính trị về việc triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận, tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở thực tiễn của việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã được thực hiện thí điểm tại 10 địa phương theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, thành phố cần tập trung các giải pháp bảo đảm quyền đại diện của người dân, tăng cường cơ chế giám sát trực tiếp của người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố và quận khi triển khai mô hình tổ chức mới.
Ban Cán sự đảng Chính phủ cũng nhất trí về nguyên tắc với các đề xuất của thành phố về đổi mới cơ chế, phương thức hoạt động của HĐND, UBND các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; triển khai chính quyền điện tử gắn với xây dựng đô thị thông minh; các giải pháp củng cố chính quyền nông thôn tại xã; đổi mới tổ chức và hoạt động của tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố khi thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị nhằm đổi mới phương thức quản lý, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả...
Có thể thấy rằng, việc thực hiện Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội là một chủ trương lớn, xuất phát từ thực tế quản lý địa bàn ở Thủ đô. Thời gian qua, thành phố đã đầu tư nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này và đang trong giai đoạn nước rút để trình các cơ quan cấp trên xem xét, thông qua...