Nỗ lực vì thủ đô sạch, đẹp
Công nghệ - Ngày đăng : 09:15, 07/03/2019
Nói về mùa cây thay lá, chị Đỗ Thị Hoa, tổ môi trường 9, chi nhánh Urenco Ba Đình (Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội - Urenco) cho biết, Hà Nội có nhiều cây xanh, nhiều chủng loại cây. Mỗi cây lại có mùa rụng lá khác nhau, nên mùa nào cũng có lá rụng. Tuy nhiên, lá cây rụng nhiều nhất vẫn là thời điểm chuyển mùa. Đó là khoảng thời gian từ tháng Chạp đến tháng 2, tháng 3, khi tiết trời chuyển từ đông sang xuân, hết cây bàng, bằng lăng, lại đến cây lộc vừng, cây nhội... lần lượt rụng lá. Khi trời chuyển từ xuân sang hè (tháng 4, tháng 5) cũng là lúc cây xà cừ, cây sấu rơi lá nhiều nhất... Mùa lá rụng cũng là thời điểm công tác duy trì vệ sinh môi trường, giữ sạch, đẹp đường phố khá vất vả.
“Bên cạnh việc thu gom rác, chúng tôi phải quét gom và dọn cả lá rụng. Có hôm lá rụng nhiều nên chỉ 1-2 đống lá đã đầy thùng (240 lít). Nhiều khi quét không xuể, bởi vừa quét phía trước xong, ngoảnh lại phía sau đã thấy lá rụng. Đôi khi chỉ cần một cơn gió thổi qua, công sức quét dọn cả buổi lại thành... công cốc” - chị Hoa chia sẻ.
Giống như chị Đỗ Thị Hoa, “thêm việc”, “quét mỏi tay” cũng là chia sẻ của nhiều công nhân vệ sinh môi trường khi nói về công tác duy trì vệ sinh môi trường mùa cây thay lá. Công tác tại Urenco chi nhánh Hoàn Kiếm hơn 10 năm nay, chị Phùng Thị Thu Hà (Tổ môi trường 1- tổ môi trường đảm trách duy trì vệ sinh môi trường khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm) cho biết, xây dựng, giữ gìn Thủ đô sáng, xanh, sạch, đẹp, những năm gần đây, công tác vệ sinh môi trường yêu cầu ngày một cao hơn. Do đó, anh chị em công nhân vệ sinh môi trường ý thức hơn, trách nhiệm hơn nên vất vả, nhưng mọi người đều không ngại khổ, ngại khó. Các chị chia ca, phân công nỗ lực giữ sạch, đẹp các phố xung quanh hồ, khu vực vườn hoa, Tượng đài Lý Thái Tổ...
“Mùa này lá rụng nhiều, hết đợt này đến đợt khác, nên công tác quét dọn, thu gom nhiều khi không xuể. Bình thường, chúng tôi quét dọn hè phố 3-4 lượt/ca; thì mùa lá rụng phải quét đi, quét lại nhiều lần, có khi đến gần 10 lượt”, chị Thu Hà nói.
Giảm bớt vất vả cho công nhân vệ sinh môi trường, hai năm nay, công tác duy trì vệ sinh môi trường được thực hiện bằng cơ giới. Tổ môi trường 1 được cấp thêm 1 xe quét hút. Mặc dù vậy, công tác duy trì vệ sinh khu vực hồ Hoàn Kiếm vẫn có đặc thù riêng. Bởi vậy, bên cạnh tăng cường quét hút bằng cơ giới (chủ yếu quét hút bụi, cát, lá trên mặt đường), thì việc duy trì vệ sinh trên vỉa hè, thảm cỏ, vớt lá rơi rụng dưới mặt hồ vẫn phải làm thủ công. Chị Hà nhẩm tính, vòng hồ Hoàn Kiếm dài khoảng 1,7km. Mỗi ca, ai cũng vài vòng quét đi, quét về. Như vậy là ngày nào cũng “tập thể dục” 6-7 cây số. Có những hôm quét mỏi tay, về đến nhà tay chân đã rã rời. Cực nhất là những hôm trời nắng nóng và mưa. Nắng nóng thì ai cũng mệt, còn mưa thì lá bết dính mặt đường, quét càng khó.
Chia sẻ với nỗi vất vả của chị em công nhân vệ sinh môi trường, ông Đỗ Việt Tiến (65 Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm) cho biết: "Không chỉ mùa lá rụng, tôi thấy mùa nào các chị công nhân vệ sinh môi trường tại đây cũng vất vả. Bởi, hồ Hoàn Kiếm là địa điểm thường xuyên có đông người dân và du khách đến vui chơi, tham quan. Đặc biệt, ngày cuối tuần có phố đi bộ, rồi dịp Noel, Tết... người dân đến chơi càng nhiều. Tuy nhiên, nhiều người còn thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh chung, ăn uống xong vứt xả rác bừa bãi. Vất vả đấy, nhưng tôi thấy các chị công nhân vệ sinh môi trường đều chịu khó, cần mẫn, giữ không gian hồ Hoàn Kiếm sáng, sạch...".
Việc nhiều hơn, yêu cầu công việc đòi hỏi cao hơn, nhưng cho dù cực nhọc, những công nhân vệ sinh môi trường như chị Hoa, chị Hà đều làm việc với tất cả tinh thần trách nhiệm. Tuy vậy, họ thấy vui khi thấy những đường phố sạch sẽ, khang trang và cảm thấy tự hào vì có bàn tay của mình góp vào.