Nghề giảng viên có thể biến mất vào năm 2030
Giáo dục - Ngày đăng : 10:46, 08/03/2019
Buổi nói chuyện “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục” ngày 7-3 tại TP Hồ Chí Minh có nhiều thông tin về quá trình hình thành và những thành tựu nổi bật của cách mạng công nghiệp 4.0, ảnh hưởng của những thành tựu đó đến các lĩnh vực.
Con người vẫn là trung tâm trong thời đại số
“Một trong 10 ngành sẽ biến mất vào năm 2030 trước ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 là giảng viên. Chính giảng viên đang gặp thách thức với quy trình learning (học tập) đảo ngược. Chúng ta smart (thông minh) hơn công nghệ hay công nghệ thông minh hơn chúng ta? Đó là một thách thức", TS Đào Minh Hồng trích công bố của Hiệp hội Giảng viên các trường Đại học tại Mỹ năm 2017.
Thông qua đó, TS Hồng đặt vấn đề về vị thế các ngành trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và vai trò của khối ngành xã hội.
Dựa vào những số liệu và phân tích, PGT.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU), cho rằng, những ngành sẽ chiếm ưu thế trong tương lai sẽ là Khoa học dữ liệu, An toàn thông tin, Phân tích kinh tế, Thời trang và các ngành sáng tạo… Tuy nhiên, các khối ngành này cần áp dụng nguyên tắc “biến ngành”, tức đào tạo sao cho linh hoạt và phù hợp nhu cầu thị trường.
Đơn cử, ngành Thiết kế thời trang sẽ không còn đơn thuần tạo mẫu, mà phải sản xuất hàng loạt sản phẩm đơn chiếc theo nhu cầu khách hàng bằng việc ứng dụng hệ thống sản xuất thông minh, công suất lớn.
Bên cạnh đó, PGS Phong khẳng định ngoài những ngành mới như trên, vai trò của con người và khoa học xã hội, tâm lý, cảm xúc… vẫn không thể bị thay thế trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
PGT.TS Hồ Thanh Phong nói về những giá trị cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Hiếu Tiên. |
Trên nguyên tắc đó, những kỹ năng cần thiết của công dân thời đại số được đưa ra đều chú trọng tư duy và cảm xúc, bao gồm giải quyết các vấn đề phức tạp, tư duy phân tích phản biện, tư duy sáng tạo… và đặc biệt là Trí tuệ cảm xúc (EQ).
Như vậy, máy móc chỉ có thể thay thế con người ở những công việc phổ thông mang tính lặp lại nhưng những phân tích và khả năng cảm nhận thì không thể thay được. Vấn đề đặt ra là làm thế nào bằng giáo dục, con người có thể phát huy trí tuệ và làm chủ công nghệ mình tạo ra thay vì trở thành nô lệ của công nghệ.
Mô hình tam giác trong giáo dục và vai trò của khởi nghiệp
Cách mạng công nghiệp 4.0 tất yếu dẫn đến nền giáo dục 4.0. Tại đây, con người, máy móc, thiết bị, công việc liên kết với nhau để tạo nên nền giáo dục thiên về đào tạo cá nhân hóa.
Trọng tâm của nền giáo dục 4.0 sẽ là sáng tạo và kiến tạo giá trị, chương trình đào tạo “biến ngành” linh hoạt và Internet được áp dụng trong mọi hoạt động (Internet of Things).
Trong nền giáo dục đó, công dân kỹ thuật số được tiếp nhận nền giảng dạy không giới hạn. Trường học được xây dựng thành hệ sinh thái với sản phẩm đào tạo là những nhà sáng tạo và nhà khởi nghiệp.
Mô hình tam giác mà PGS Phong cho rằng phù hợp nền giáo dục 4.0 được xây dựng trên nền tảng của Chính phủ, trường đại học và công nghiệp. Giáo dục là sự kết hợp giữa người quản lý, người đào tạo và người sử dụng nhân lực chứ không còn là cuộc đua đơn thuần của nhà trường. Mục đích lớn nhất của mô hình là phân tích và nắm bắt được nhu cầu thị trường cũng như xu hướng phát triển, từ đó xác định hướng đào tạo phù hợp.
“Các trường đại học phải kết nối với công nghiệp, địa phương, nơi có nhu cầu. Chính nhu cầu đó mới dẫn về sáng tạo ra những giá trị, làm ra được những ngành nghề mới”, hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) chia sẻ.
Cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu diễn ra từ dầu những năm 2000, đến khoảng năm 2013 thì xuất hiện cụm từ "công nghiệp 4.0". Cách mạng công nghiệp 4.0 liên quan Internet kết nối vạn vật và việc tự động hóa, bao gồm các hệ thống không gian mạng thực-ảo (cyber-physical system - CPS). Trong xu hướng mới này, nhà ở, trường học, doanh nghiệp, hệ thống logistic… được chuyển đổi thành những đối tượng thông minh hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được cho là sẽ có nhiều tác động, ảnh hưởng mọi lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, giáo dục, y tế… Những tác động nổi bật nhất bao gồm việc tạo nên nền sản xuất thông minh, nền kinh tế chia sẻ, thành phố thông minh, hệ thống giao thông thông minh, giáo dục 4.0. |