Giảm ùn tắc khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh: Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Giao thông - Ngày đăng : 08:56, 08/03/2019

(HNM) - Phương tiện cá nhân tăng cao khiến hạ tầng giao thông đô thị quá tải, gây ùn tắc thường xuyên khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh...

Hạ tầng quá tải

Là tài xế xe tải giao hàng vào khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh hơn 10 năm nay, anh Nguyễn Việt Hùng (ở phường 16, quận 8) cho hay, 4-5 năm trước, khi giao hàng từ đường An Dương Vương (quận 8) về khu vực nội đô ở quận 1, 3 hay 5 chỉ cần ra đại lộ Võ Văn Kiệt đi khoảng 20-30 phút là tới. Đến nay, mật độ phương tiện lưu thông trên đại lộ Võ Văn Kiệt luôn dày đặc, nhất là đến khu vực gần đầu hầm vượt sông Sài Gòn (quận 1), khiến việc đi giao hàng có khi mất hàng giờ.

Đến năm 2030, thành phố Hồ Chí Minh sẽ cấm xe cá nhân trên một số khu vực trung tâm thành phố.


Tương tự, ông Lê Quốc Việt (người làm nghề "xe ôm" ở khu vực Ga Sài Gòn, quận 3) cho biết, rất mệt mỏi khi phải đưa khách vào các phố trung tâm vì luôn phải đối mặt với tình trạng kẹt xe, nhất là các tuyến đường như: Cách Mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ (quận 3); Ba Tháng Hai, Cao Thắng, Lý Thái Tổ (quận 10);...

Theo thống kê từ Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 36 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, có thể phân thành 4 khu vực gồm: Sân bay Tân Sơn Nhất (6 điểm); Cảng Cát Lái (3 điểm); trung tâm và cửa ngõ (14 điểm) và các khu vực khác (13 điểm). Trong khi đó, số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh khiến tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng. Tính đến hết năm 2018, thành phố quản lý hơn 8,6 triệu phương tiện, gồm hơn 760 nghìn xe ô tô và gần 8 triệu xe mô tô. Tốc độ tăng trưởng ô tô con và xe gắn máy hằng năm lần lượt khoảng 12%/năm và 6,5%/năm.

Bên cạnh đó, mật độ đường giao thông thành phố chỉ đạt 2,03km/km2, tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị rất thấp, chỉ chiếm 8,8%. Kết cấu hạ tầng giao thông khu vực trung tâm (quận 1, 3, 5, 10) gần như không tăng trong những năm gần đây. Trong đó, phần lớn các tuyến đường đều hẹp, chỉ khoảng 14% số đường có lòng đường rộng trên 12m để có thể tổ chức vận chuyển hành khách bằng xe buýt, 35% số đường có lòng đường rộng dưới 7m chỉ đủ cho xe hai bánh lưu thông.

Ngoài ra, ùn tắc giao thông còn do hệ thống vận tải hành khách công cộng chưa phát triển. Trên bộ, thành phố mới chỉ có xe buýt và taxi là phương tiện chính.

Chú trọng vận tải hành khách công cộng

Để giảm ùn tắc giao thông, theo kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, giảng viên Trường Đại học Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, việc đưa ra lộ trình khoa học để hạn chế phương tiện cá nhân tại một số khu vực trung tâm thành phố là cần thiết. Muốn vậy cần quy hoạch lại không gian cư trú, phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại, khối lượng lớn (Metro, BRT, Monorail...); đồng thời tạo ra không gian các tuyến phố đi bộ, đi xe đạp khu trung tâm; sắp xếp, bố trí lưu thông lệch ca, lệch giờ...

Dưới góc nhìn quy hoạch đô thị, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Đô thị học (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, giải pháp hiện nay là phải quy hoạch lại việc phân bố dân cư. Nếu thành phố quy hoạch được thêm 2 hoặc 3 khu trung tâm, tổ chức phân bố lại dân cư hợp lý thì vấn đề ùn tắc giao thông sẽ từng bước được giải quyết.

Còn theo quan điểm của PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên giảng viên Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, thành phố nên lấy tiền trợ giá xe buýt để đầu tư xe buýt hiện đại, phát triển đa dạng loại hình vận tải hành khách công cộng. Chẳng hạn như đầu tư xe buýt điện nhỏ gọn, phù hợp với việc di chuyển trong các tuyến đường nội đô, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

Để phát triển mạng lưới vận tải công cộng, Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đang trình đề án tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ xe buýt và đa dạng hóa các loại hình như: Vận tải đô thị khối lượng lớn; vận tải hành khách đường thủy nội địa, liên vùng và loại hình vận tải công cộng, bán công cộng khác. Đồng thời, hạn chế số lượng phương tiện ô tô đăng ký mới, kết hợp hạn chế xe có biển số tỉnh ngoài lưu thông vào trung tâm thành phố theo lộ trình cụ thể. Mục tiêu đến năm 2020, lượng khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng ít nhất là 15%, trong khi hiện nay tỷ lệ này chỉ có khoảng 9,7%.

Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố, ngoài giải pháp hạn chế xe gắn máy, thành phố sẽ có các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế cả xe ô tô vào nội đô. Song song đó, thành phố cũng đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ như: Quy hoạch và phát triển hạ tầng giao thông hoàn chỉnh; thu phí tự động; điều chỉnh, sắp xếp giờ học, giờ làm lệch nhau; thu phí ô tô vào khu vực trung tâm. “Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 90% người dân sử dụng xe máy, giải pháp hạn chế xe gắn máy đưa ra sẽ tác động ngay tới người dân, do đó cơ sở khoa học phải chắc chắn, giải pháp phải khả thi”, ông Lâm nêu rõ.

Bên lề phiên giải trình do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức về tình hình vi phạm an toàn giao thông vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết, chủ trương của thành phố không cấm xe gắn máy vì đây là phương tiện để người dân đi lại, làm ăn, song cũng cần hạn chế vì xe máy quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến giao thông. Mục tiêu của thành phố là phải đẩy mạnh phát triển phương tiện giao thông công cộng... Thành phố đang tập trung đầu tư tuyến metro, buýt nhanh, buýt thủy..., thậm chí cả những phương tiện như xe đạp công cộng... Chỉ khi nào người dân thấy việc chọn lựa giao thông công cộng thuận lợi thì chính quyền mới hạn chế xe gắn máy.

Gia Bảo