Không gây bệnh trên người, không phải tẩy chay thịt lợn

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:55, 09/03/2019

(HNM) - Thông tin mới nhất từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 8-3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Người tiêu dùng nên chọn thịt lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để sử dụng thay vì tẩy chay loại thực phẩm này.


Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khẳng định, bệnh dịch này không gây bệnh trên người. Vì thế, người dân không nên quá lo lắng, bình tĩnh thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, không tẩy chay thịt lợn, chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng...

Triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống

Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỷ lệ chết cao, lên đến 100%. Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, mặc dù bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người và các vật nuôi khác nhưng người và vật nuôi khác lại có thể mang mầm bệnh và lây nhiễm sang lợn. Cụ thể, bệnh lây lan qua ve hút máu, ruồi, muỗi, các loại bọ, chim, chuột, chó, mèo, trâu, bò, dê, cừu... Ngoài ra, bệnh dịch tả lợn châu Phi còn có nguy cơ lây lan rất cao từ trang trại, khu nuôi lợn xung quanh do dùng chung nguồn nước. "Vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở môi trường tự nhiên và trong các sản phẩm của lợn... Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị bệnh hiệu quả, do đó việc khống chế, ngăn chặn kịp thời là giải pháp quan trọng để hạn chế lây lan” - ông Nguyễn Ngọc Sơn nói.

Trước nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan cao, những ngày qua thành phố Hà Nội đã thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, khống chế bệnh dịch lan rộng. Trong đó, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đã kiểm soát chặt chẽ các cơ sở giết mổ lợn, đặc biệt là cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; các nguồn thức ăn thừa và việc vận chuyển thức ăn thừa tại các nhà hàng, khách sạn cho các hộ chăn nuôi và nghiêm cấm việc sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt (nấu chín).

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại các địa phương đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngoài tiêu hủy toàn bộ đàn lợn bằng biện pháp chôn theo quy định, lực lượng chức năng thành phố còn tăng cường kiểm tra, kiểm soát đến tận thôn, xóm, tổ dân phố, bãi rác... Hiện nay, tuyệt đối không có tình trạng xác lợn chết trôi nổi trên kênh mương nội đồng, sông, hồ, ao, đập... gây ô nhiễm môi trường, lây lan bệnh dịch. Tại quận Long Biên, sau 10 ngày không còn phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ông Đinh Văn Đoàn ở xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) cho biết: “Nhận thấy sự nguy hiểm của bệnh Dịch tả lợn châu Phi, nhân dân địa phương thường xuyên lấy mẫu kiểm tra nhanh các loại bệnh truyền nhiễm trên đàn lợn để có phương án xử lý kịp thời...”.

Để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi hiệu quả, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Hà Nội duy trì các lực lượng chức năng trực 24/24 giờ ở các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra - vào thành phố; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm lợn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thực hiện chỉ đạo của Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, các sở, ngành thành phố cũng đã thành lập đội kiểm dịch lưu động nhằm kiểm soát tình trạng vận chuyển lợn trái phép. Hiện, các cơ quan chức năng tăng cường chốt chặn để kiểm tra tại các điểm giao thông quan trọng, cửa ngõ vào thành phố, kể cả xe khách... Ngoài 6 điểm chốt cố định, thành phố tăng cường chỉ đạo các đoàn liên ngành chốt chặn kiểm tra trên đường cao tốc, nếu phát hiện thịt lợn không rõ nguồn gốc, lợn chết bất thường; đặc biệt, lợn có nguồn gốc từ các nơi có dịch phải thực hiện lấy mẫu, kiểm tra thật kỹ...

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành số 5 kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cho biết, thành phố đã thành lập 5 tổ công tác liên ngành để kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Hà Nội. Nội dung kiểm tra tập trung vào công tác ngăn chặn, ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi của các quận, huyện, thị xã và hoạt động của các chốt, trạm kiểm dịch động vật. Ngoài ra, cũng sẽ tiến hành kiểm tra tại chợ kinh doanh thực phẩm, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ lợn hoặc cơ sở kinh doanh, bảo quản, sơ chế sản phẩm có nguồn gốc từ lợn,...

Chỉ sử dụng các sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc

Hà Nội đã tăng cường chốt kiểm dịch động vật để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Bá Hoạt


Ngày 8-3, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội khẳng định, bệnh dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người, nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh. Về nguyên tắc, tất cả các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản mắc bệnh đều phải tiêu hủy để tránh gây bệnh. Người dân nên mua các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là phải nấu chín kỹ thịt trước khi dùng. Bởi lẽ, vi rút ASFV gây bệnh dịch tả lợn châu Phi chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết thêm, bệnh dịch tả lợn châu Phi có tác nhân gây bệnh là vi rút ASFV, nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, các món ăn từ thịt lợn được nhiều người Việt yêu thích như: Nem chạo, nem sống, tiết canh, gỏi… không hề an toàn, vì chưa được nấu chín kỹ. Với những món ăn này có thể khiến con người nhiễm liên cầu khuẩn từ lợn, gây di chứng, tử vong cao.

Bà Nguyễn Thị Thanh, ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên cho biết: “Hằng ngày, tôi đều đi chợ mua thực phẩm về chế biến cho gia đình nên luôn chú trọng chọn mua thực phẩm tươi, sạch. Trong đó thịt lợn là thực phẩm chính vì chế biến được nhiều món, giá thành lại rẻ. Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tôi thường vào các siêu thị, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn mua thịt lợn về dùng”. Theo bà Nguyễn Thị Thanh, người tiêu dùng cần bình tĩnh, thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng và đọc những thông tin từ các cơ quan báo chí thay vì thông tin không được kiểm chứng trên mạng xã hội để rồi lo lắng quá mức. Các cơ quan chức năng của thành phố, các quận, huyện đã tăng cường công tác kiểm soát, phòng chống bệnh dịch, ngăn chặn tình trạng người dân chuyển lợn từ vùng có bệnh dịch ra ngoài bán nên có thể yên tâm, nhất là khi mua thực phẩm đã được kiểm dịch, rõ nguồn gốc.

Bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo, người tiêu dùng nên lựa chọn, sử dụng thịt lợn sạch, có nguồn gốc, có dấu kiểm định, an toàn, chế biến hợp vệ sinh. Tuyệt đối không mua thịt có màu lạ như: Nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, nếu chạm tay thấy chảy nhớt thì đó là thịt ôi hoặc đã mắc bệnh.


Trước tình trạng một số tài khoản trên mạng xã hội Facebook đăng tải thông tin không chính xác về bệnh dịch tả lợn châu Phi gây hoang mang cho người dân, ảnh hưởng đến người chăn nuôi cũng như ngành chăn nuôi, ngày 8-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản số 1669/BNN-VP do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ký đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý thông tin đăng tải không chính xác về bệnh dịch tả lợn châu Phi; xử lý nghiêm những thông tin đăng tải sai sự thật để tránh gây hoang mang trong xã hội; tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 20-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhóm phóng viên