Thế giới tổn thất gần 20.000 tỷ USD do hệ sinh thái biến mất

Công nghệ - Ngày đăng : 15:24, 11/03/2019

Báo cáo của Liên hợp quốc tính toán thế giới mất từ 4.000-20.000 tỷ USD do hệ sinh thái biến mất trong giai đoạn 1995-2011, các tổn thất do ô nhiễm lên tới 4.600 tỷ USD mỗi năm.


Hơn 4.700 lãnh đạo, bộ trưởng, các quan chức Liên hợp quốc và đại diện các tổ chức dân sự đã có mặt tại Nairobi, thủ đô Kenya, để dự Hội nghị về Môi trường của Liên hợp quốc lần thứ 4 (UNEP).

Đây là cuộc gặp lớn nhất trong lịch sử của Hội đồng Liên hợp quốc về Môi trường (UNEA). Số lượng đại biểu dự UNEP lần này đông gấp đôi so với cuộc gặp lần trước vào tháng 12-2017.

Các đại biểu dành một phút mặc niệm cho hơn 20 đại biểu dự hội nghị thiệt mạng trong chuyến bay từ Addis Ababa, Ethiopia tới Nairobi, Kenya, hôm 10-3. Ảnh: Thanh Tuấn.


Ô nhiễm môi trường gây tổn thất 4.600 tỷ USD/năm

Báo cáo của UNEA cho cuộc gặp lần này tính toán thế giới mất từ 4.000-20.000 tỷ USD do hệ sinh thái bị biến mất trong giai đoạn 1995-2011. Báo cáo cũng chỉ ra các cách canh tác hiện tại gây áp lực lên môi trường, gây ra tổn thất khoảng 3.000 tỷ USD/năm trong khi các tổn thất do ô nhiễm lên tới 4.600 tỷ USD hằng năm.

“Hơn bao giờ hết, giờ là lúc cần hành động”, Chủ tịch của Hội đồng Liên hợp quốc về môi trường lần này, Bộ trưởng Môi trường Estonia Siim Kiisler, nói. “Chúng ta có thể xây dựng các xã hội bền vững, thịnh vượng và bao trùm hơn với cách thức sản xuất và tiêu thụ bền vững để đối phó với những thách thức môi trường và không để ai bị bỏ lại phía sau”.

“Chúng ta cần tạo điều kiện phù hợp để những điều này có thể xảy ra. Chúng ta cần hành động khác đi”, ông Siim Kiisler nói.


Hội đồng này cũng sẽ công bố kết quả nghiên cứu mới của Liên hợp quốc, trong đó đưa ra đánh giá toàn diện nhất về môi trường toàn cầu. Báo cáo được sự đóng góp của 252 chuyên gia và nhà nghiên cứu từ hơn 70 quốc gia.


Trước lễ khai mạc, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm cho khoảng 20 đại biểu dự hội nghị thiệt mạng trong chuyến bay từ Addis Ababa, thủ đô Ethiopia, tới Nairobi, Kenya, hôm 10-3.

UNEP lần thứ tư diễn ra từ ngày 11 đến 15-3 với chủ đề “Giải pháp sáng tạo cho các thách thức môi trường, tiêu thụ và sản xuất bền vững”. Các lãnh đạo sẽ đưa ra các quyết định giúp thúc đẩy các nền kinh tế vận hành theo hướng bền vững hơn.

Các lãnh đạo dự hội nghị lần này có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta cũng như CEO của nhiều tập đoàn lớn.

Trước khi UNEP khai mạc sáng 11-3, các đại biểu dự hội nghị đã có nhiều phiên đàm phán tới đêm trong 5 ngày trước đó. Thông tin từ Liên hợp quốc nói sẽ có những quyết định mạnh mẽ được đưa ra tại hội nghị lần này.

Hơn 4.700 lãnh đạo, bộ trưởng, các quan chức Liên Hợp Quốc dự Hội nghị UNEP lần 4 này. Ảnh: Thanh Tuấn.


Thời gian còn rất ngắn

Các giải pháp được bàn tới bao gồm: Thúc đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp tiêu thụ, sản xuất bền vững; cam kết bảo vệ môi trường biển khỏi ô nhiễm nhựa, giảm lãng phí thực phẩm, các sáng tạo công nghệ mới giúp đối phó biển đổi khí hậu; giảm việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như sự biến mất của đa dạng sinh học.

UNEA hiện là tổ chức Liên hợp quốc duy nhất ngoài Đại hội đồng Liên hợp quốc mà có tất cả các thành viên Liên hợp quốc tham gia - điều có thể giúp quyết định ở đây tác động tới chính sách môi trường toàn cầu. Các quyết định ở đây sẽ có tác động lớn tới các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về chương trình 2030 cho phát triển bền vững, cũng như là chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc trong năm nay.

Trước hội nghị, Giám đốc điều hành của chương trình Liên hợp quốc về môi trường, Joyce Msuya, kêu gọi các nước nỗ lực và hành động để có những thay đổi thực sự.

“Thời gian còn rất ngắn. Chúng ta đã qua giai đoạn của hứa hẹn và cam kết chính trị. Chúng ta đã qua giai đoạn của cam kết mà rất ít trách nhiệm. Những gì sẽ bị ảnh hưởng chính là mạng sống, xã hội và phần lớn những gì chúng ta biết và đang được hưởng hôm nay”, bà Msuya viết.

Theo Thanh Tuấn/Zing