Rước họa vì trà giảm béo siêu tốc

Sức khỏe - Ngày đăng : 08:38, 11/03/2019

(HNM) - Để giảm cân cấp tốc, không mất thời gian, nhiều chị em đã tìm đến các loại trà giảm cân. Thế nhưng, không ít người phải rước họa vào thân, vì mua phải những loại trà giảm cân kém chất lượng.

Tập luyện đều đặn giúp phụ nữ có thân hình cân đối. Ảnh: Hương Anh


Thu hồi hàng loạt trà giảm cân

Bị bạn bè chê béo, chị P.T.H. (19 tuổi, quê ở Hà Nam) đã mua một loại trà được rao bán trên mạng xã hội, có tác dụng giảm cân siêu tốc. Sau khi uống khoảng 2 tuần, tuy có giảm được 5kg, nhưng chị H. bắt đầu rơi vào trạng thái mệt mỏi, khát nước, đầy bụng, người lả đi… và được người nhà đưa tới Bệnh viện Nội tiết trung ương cấp cứu.

Tại đây, kết quả xét nghiệm của chị H. cho thấy, lượng đường huyết trong máu tăng, men gan tăng hơn 30 lần so với mức bình thường, gây tổn thương, hủy hoại tế bào gan, có dấu hiệu của suy gan, suy thận. May mắn, do được các bác sĩ điều trị tích cực và kịp thời, nên sức khoẻ của chị H. đã dần ổn định.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế lâm sàng (Bệnh viện Nội tiết trung ương) cho biết, những trường hợp như chị H. không phải hiếm gặp. Bệnh viện từng tiếp nhận một số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng men gan tăng cao sau khi sử dụng trà giảm cân.

Hiện tại, có rất nhiều người, đặc biệt là các chị em lựa chọn chế độ giảm cân như nhịn ăn hoặc uống các sản phẩm giảm cân thần tốc, không rõ nguồn gốc được quảng cáo và bán tràn lan trên mạng xã hội mà không có sự tư vấn từ các chuyên gia, bác sĩ. Điều này đã gây ra không ít những hệ lụy đau lòng. Bởi lẽ, các sản phẩm giảm cân nói trên gây ra tình trạng mất nước, tiêu chảy, suy nhược cơ thể và ảnh hưởng đến tính mạng.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có quyết định về việc tạm dừng lưu thông và thu hồi đối với lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe trà thảo mộc Vy & Tea (ngày sản xuất: 20-12-2018; hạn sử dụng: 20-12-2019) được quảng cáo có tác dụng giảm cân, vì phát hiện có chất Sibutramine và Phenolphthaleine bị cấm sử dụng.

Trong năm 2018, Cục An toàn thực phẩm cũng đã thu hồi nhiều sản phẩm chức năng có tác dụng giảm cân như: Trà thảo mộc Hoa Sâm Đất; thuốc giảm cân đông y gia truyền họ Nguyễn; thuốc tăng, giảm cân đông y Tiến Hạnh; trà giảm cân Cường Anh... có chứa chất cấm, gây hại tới sức khỏe người sử dụng.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, Sibutramine là một hoạt chất làm giảm cảm giác thèm ăn, nhưng đặc biệt nguy hiểm đối với người có tiền sử bệnh tim mạch và huyết áp. Chính vì vậy, hoạt chất Sibutramine được liệt vào danh sách chất cấm. Cơ quan dược phẩm châu Âu (AMEA), cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo về khả năng làm tăng nguy cơ tim mạch khi sử dụng các thuốc, thực phẩm chức năng chứa hoạt chất này. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có văn bản ngừng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine vào ngày 14-4-2011.

“Cục An toàn thực phẩm sẽ tập trung kiểm tra các sản phẩm hỗ trợ bảo vệ sức khỏe, trong đó đặc biệt ưu tiên kiểm tra hoạt chất Sibutramine, đồng thời công khai các sản phẩm không đạt chất lượng để người dân biết”, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm.

Tương tự, Phenolphthaleine từng được sử dụng trong điều trị táo bón. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu cho thấy, hoạt chất này có khả năng gây ung thư. Vì vậy, FDA cấm lưu hành các loại thuốc điều trị táo bón có chứa chất này từ năm 1999. Thậm chí, Phenolphthaleine hiện không có trong thành phần hoạt tính của bất cứ loại thuốc nào đang được sử dụng ở Mỹ.

Thực hiện chế độ giảm cân khoa học

Trên mạng khi tra cụm từ “trà giảm cân” chỉ trong vòng 0,45 giây đã cho hơn 28 triệu kết quả khác nhau. Do được quảng cáo không tác dụng phụ, không phải ăn kiêng và có thể giảm tới 10kg/tháng, nên nhiều chị em đã mua về sử dụng.

Theo bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), sản phẩm giảm cân như trà hay thảo dược thuộc nhóm giảm cân bằng cách mất nước. Bởi vì, 60-70% trọng lượng cơ thể là nước, nên khi mất nước, cân nặng sẽ giảm đi rõ rệt. Nhiều loại trà giảm cân khi uống vào gây ra hiện tượng tiêu chảy, dẫn đến cơ thể mất nước, vô cùng nguy hại...

Tăng cường vận động thể chất, ăn uống khoa học là cách giảm béo lành mạnh, hiệu quả nhất. Ảnh: Bá Hoạt


PGS.TS Tạ Văn Bình, nguyên Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa (Đại học Y Hà Nội) khuyến cáo, trên thị trường hiện nay có quá nhiều các sản phẩm được quảng cáo có tác dụng giảm cân siêu tốc, nhưng vấn đề chất lượng đang còn bỏ ngỏ. Do đó, các chị em quá tin vào loại thảo dược, trà hay thực phẩm chức năng một cách mù quáng sẽ “tiền mất, tật mang”, thậm chí để lại hậu quả lâu dài đối với sức khỏe.

Theo PGS.TS Tạ Văn Bình, béo phì có 2 yếu tố chính là gen và môi trường. Yếu tố gen là không can thiệp được, còn yếu tố môi trường, nếu chúng ta can thiệp một cách khoa học, thì hoàn toàn có thể giảm cân mà không phải sử dụng bất kỳ loại trà giảm cân hay thực phẩm chức năng nào. Người dân cần tăng cường vận động thể lực để đốt cháy năng lượng dư thừa. Mặt khác, thực hiện một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đó là giảm chế độ ăn giàu năng lượng, ăn nhiều chất xơ…

Còn theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, các chị em không nên vì muốn giảm cân nhanh mà dùng các loại thuốc, trà không rõ nguồn gốc, thành phần, xuất xứ. Nếu thực sự cần thiết phải giảm cân, người dân nên tới gặp và nghe theo chỉ định, tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa để bảo đảm sức khỏe, tránh tin lời quảng cáo, giới thiệu giảm cân nhanh chóng, thần tốc để rồi rước họa vào thân.

Thu Trang