Phòng ngừa dị ứng thức ăn ở trẻ

Sức khỏe - Ngày đăng : 08:47, 11/03/2019

(HNM) - Bác sĩ Đỗ Thị Phương Hà (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, dị ứng thức ăn rất dễ nhận biết bởi các biểu hiện như viêm da, mề đay, đau bụng, rối loạn tiêu hóa...


Những thực phẩm dễ gây dị ứng cho trẻ gồm: Tôm, cá, cua, sữa bò, trứng, lạc, nhộng tằm, đậu nành... Các thực phẩm không chứa protein hoặc ít protein hiếm khi xảy ra phản ứng dị ứng. Trẻ đang trong thời kỳ bú mẹ, nếu dùng thêm sữa ngoài cũng có thể bị dị ứng bởi một số thành phần của sữa không phù hợp với hệ tiêu hóa non yếu của trẻ.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, 80% trẻ bị dị ứng thường có biểu hiện ở da. Dị ứng thức ăn nếu không được xử lý tốt có thể dẫn đến những hệ lụy khó khắc phục. Bởi biểu hiện dị ứng thức ăn ở trẻ khá nhanh, chỉ từ vài phút đến khoảng hai giờ sau khi trẻ ăn phải thực phẩm có chứa các dị nguyên gây dị ứng.

Do đó, nguyên tắc phòng ngừa, giảm dị ứng cho trẻ đầu tiên là phải chú ý việc dung nạp đường miệng: Trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn ít nhất 4-6 tháng đầu đời, như vậy sẽ có thể giúp giảm tần suất viêm da dị ứng ở trẻ dưới 2 tuổi; giảm khởi phát sớm những cơn khò khè ở trẻ dưới 4 tuổi; giảm tần suất dị ứng protein sữa bò trong 2 năm đầu đời.

Đối với bà mẹ đang cho con bú cũng nên hạn chế ăn những thực phẩm có thể gây dị ứng cho trẻ nhằm làm an toàn hóa sữa mẹ...

Sa Chi