Củng cố liên minh Mỹ - Hàn Quốc

Thế giới - Ngày đăng : 06:54, 11/03/2019

(HNM) - Sau nhiều hối thúc và cả sức ép từ nước đồng minh bên kia bờ Thái Bình Dương, cuối tuần qua, Hàn Quốc đã ký kết với Mỹ bản Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) về việc chia sẻ chi phí quân sự nhằm duy trì hoạt động của các binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha (phải) và Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris ký kết thỏa thuận về việc chia sẻ chi phí quân sự giữa hai nước.


Hàn Quốc là một trong những nước có số lượng binh sĩ Mỹ đồn trú đông nhất. Quân đội Mỹ đã duy trì sự hiện diện tại đây trong suốt khoảng thời gian Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và Seoul bắt đầu chi trả một phần cho việc triển khai quân sự của Washington kể từ đầu những năm 1990. Sự có mặt với số lượng lớn của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc cũng được xem là biểu tượng của mối quan hệ liên minh giữa hai quốc gia.

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền và nhiều lần kêu gọi chính quyền Hàn Quốc gia tăng các khoản đóng góp cho sự hiện diện của binh sĩ Mỹ, hai nước đã tiến hành tổng cộng 10 vòng đàm phán kể từ đầu năm 2018. Washington cũng đã cảnh báo công nhân Hàn Quốc làm việc tại các căn cứ của Mỹ có thể phải nghỉ việc từ tháng 4-2019 nếu không có thỏa thuận nào được đưa ra.

Trước bối cảnh đó, theo thỏa thuận vừa được Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris ký kết tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc sẽ tăng khoảng 8,2% chi phí đóng góp - từ 830 triệu USD hồi năm 2018 lên mức hơn 900 triệu USD trong năm 2019 để đổi lấy việc duy trì hoạt động của 28.500 binh sĩ thuộc lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK).

Thỏa thuận này được người đứng đầu ngành Ngoại giao Hàn Quốc đánh giá là kết quả của sự kiên trì và đôi lúc rất khó khăn nhằm xây dựng một trong những nền tảng của liên minh Mỹ - Hàn Quốc và cũng là cơ sở để liên minh này trở nên mạnh mẽ hơn.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ Harry Harris cho rằng, ký kết thỏa thuận về việc tăng đóng góp của Seoul là minh chứng cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ liên minh bền vững qua nhiều thế kỷ giữa hai nước.

Trong khi Mỹ không cần sự phê chuẩn của Quốc hội đối với SMA, thì thỏa thuận này vẫn phải được Quốc hội Hàn Quốc thông qua vào cuối tháng này trước khi chính thức có hiệu lực vào tháng 4 tới. Giới quan sát dự đoán các nhà lập pháp nước này sẽ dễ dàng thông qua thỏa thuận bởi đảng đối lập cũng đánh giá cao mối quan hệ đồng minh truyền thống, lâu đời với Mỹ, đồng thời Chính phủ Hàn Quốc đã hoàn thành các thủ tục hành chính liên quan.

Khác với những thỏa thuận trước đó, thường có hiệu lực trong khoảng 3-5 năm, SMA dự kiến chỉ có hiệu lực trong 1 năm, đồng nghĩa với việc hai bên sẽ phải quay lại bàn đàm phán trong vài tháng tới để xem xét lại chính sách chia sẻ chi phí quốc phòng với đồng minh.

Khoảng 70% đóng góp của Hàn Quốc sẽ chi cho việc trả lương cho khoảng 8.700 nhân viên nước này đang làm việc trong các lĩnh vực hành chính, kỹ thuật và các dịch vụ khác trong quân đội Mỹ. Không chỉ đối với Hàn Quốc, ý định tăng chi phí với các đối tác khác như Đức, Nhật Bản, Qatar, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng đã được Nhà Trắng đề cập nhiều tháng nay.

Nguồn tin từ các quan chức Mỹ cho biết, Washington đang yêu cầu các đồng minh khác phải trả toàn bộ chi phí cho việc triển khai lính Mỹ, cộng thêm 50% chi phí lưu trữ vũ khí, trang thiết bị quân sự tại căn cứ. Như vậy, các quốc gia hiện đang nhận sự trợ giúp về quân sự của Mỹ có thể sẽ phải trả thêm khoản tiền gấp khoảng 5-6 lần hiện nay.

Trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về tương lai của USFK, nhất là khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng như tại khu vực Đông Bắc Á đang dần hạ nhiệt, Hàn Quốc đã nhiều lần khẳng định đây là lực lượng không thể thiếu đối với hòa bình và ổn định tại khu vực. Thỏa thuận vừa được ký kết được coi là sự ủng hộ đối với liên minh Mỹ - Hàn Quốc và thể hiện thiện chí duy trì quan hệ đồng minh khi nhìn về phía bên kia bờ Thái Bình Dương.

Minh Hiếu