Náo nhiệt lễ hội Giằng bông ở Sơn Đồng
Văn hóa - Ngày đăng : 18:32, 11/03/2019
(HNMO) - Chiều 11-3 (mùng 6 tháng Hai năm Kỷ Hợi), tại làng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội), đã diễn ra lễ hội Giằng bông. Hàng trăm thanh niên trai tráng trong làng đã tham gia giành lấy cây bông với mong muốn cầu may trong năm mới.
Từ một lễ hội cổ xưa
Theo lời các cụ cao niên của làng Sơn Đồng, lễ hội Giằng bông có từ khi thành lập làng. Tương truyền, những ai đoạt được cây bông sẽ nhận được nhiều may mắn. Sự tích này gắn liền với thời Hai Bà Trưng những năm 40 sau công nguyên, ai cướp được cây bông (hoặc chạm vào) sẽ sinh quý tử. Do vậy, cứ đến lễ hội, thanh niên trong làng đều mong muốn giành cây bông. Đây cũng được xem là phần không thể thiếu của lễ hội.
Lễ hội Giằng bông có từ nhiều đời nay ở làng Sơn Đồng (ảnh: Quang Thái) |
Tục giằng bông ở làng Sơn Đồng còn gắn với ý nghĩa rèn luyện thể lực, nên chỉ thanh niên trai tráng có đủ sức khỏe mới tham gia phần này của lễ hội. Phụ nữ, trẻ em và các cụ bô lão sẽ tìm đến những mô đất cao để dõi theo, cổ vũ.
Theo tục lệ, đầu giờ chiều mùng 6 tháng Hai âm lịch, sau khi làm các nghi thức tế lễ, chủ tế của làng thực hiện tục tung xôi, với ý nghĩa động viên, khích lệ và tăng cường sức khỏe cho binh sĩ thời xưa. Cụ chủ tế mang cây bông ra khỏi điện thờ, múa vài vòng ở giữa sân đình. Cây bông này được dân làng chọn từ cây tre tốt nhất, sau đó chặt thành một khúc dài 1,2m, vót bông cầu kỳ.
Chủ tế sau khi múa bông sẽ tung cây bông lên để trai tráng trong làng giành lấy. Theo nghi thức sẽ có 2 cây bông được mang ra đình để thanh niên giằng lấy. Cuộc giành cây bông kéo dài khoảng một tiếng, cho đến khi người chiến thắng giơ được cây bông lên cao. Cuộc giành bông sẽ kết thúc trong tiếng vỗ tay, reo hò, hoan hỉ của dân làng. Người giành được cây bông sẽ mang “chiến lợi phẩm” về nhà đặt lên ban thờ gia tiên để báo cáo thành tích với tiên tổ.
Cảnh thanh niên quyết liệt tham gia giằng bông (ảnh: Hoàng Lân). |
Nói về tục lệ này, ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng cho biết, lễ hội Giằng bông Sơn Đồng có từ bao đời nay và đi sâu vào văn hóa tâm linh của người dân nơi đây. Với nhiều người Sơn Đồng, đến nay vẫn có niềm tin vào hoạt động tín ngưỡng trong lễ hội, trong đó có tục giằng bông. Nhiều người dân vẫn coi cây bông là vật thiêng trong lễ hội. Việc thanh niên tham gia giằng bông là hoạt động không thể thiếu ở lễ hội này.
Nỗ lực để lễ hội văn minh
Những năm trước đây, lễ hội Giằng bông Sơn Đồng được xem là một trong những điểm nóng của mùa lễ hội, bởi nghi thức giằng bông thường kéo theo những hình ảnh không đẹp, như tình trạng bạo lực, xô xát. Năm nay, với sự quyết liệt của Bộ VH,TT&DL, Sở VH-TT Hà Nội trong việc hạn chế những lễ hội bạo lực, phản cảm, Ban tổ chức lễ hội đã tăng cường công tác tuyên truyền để người dân ý thức hơn về nét đẹp của văn hóa lễ hội.
Ông Nguyễn Viết Hùng cho biết, địa phương đã có 20 ngày để chuẩn bị cho lễ hội, từ khâu tuyên truyền người dân ứng xử văn minh lễ hội cho đến các phương án bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng quy chế giằng bông. Ban tổ chức đã huy động 50 công an huyện, xã và lực lượng chức năng để bảo đảm an toàn, sự tôn nghiêm của lễ hội. Những người tham gia giằng bông tuyệt đối không được mang đạo cụ hoặc vật dụng sắc nhọn.
Theo quan sát của phóng viên HNMO, trước khi hoạt động giằng bông diễn ra, Ban tổ chức lễ hội nhiều lần nhắc nhở người dân bằng loa phát thanh việc không được xô xát, cởi trần gây hình ảnh xấu. Nếu thanh niên trong làng không giữ trật tự, chủ tế sẽ không tung cây bông. Vì vậy, nghi thức này diễn ra suôn sẻ, không có hành động bạo lực, như đánh nhau, xô xát...
Doãn Nam, người từng 4 lần tham gia giằng bông cho biết, thanh niên trong làng dù có tranh giành quyết liệt nhưng không để xảy ra xô xát (ảnh: Hoàng Lân). |
Sau buổi giằng bông, Doãn Nam - thanh niên làng Sơn Đồng từng 4 lần tham gia giằng bông - hồ hởi cho biết, đây là lễ hội của làng, dù có giành được bông hay không thì với thanh niên tham gia nghi thức này đã là niềm vui và may mắn.
“Có giằng bông tức là có tranh giành, giống như kéo co thì phải dùng hết sức mạnh. Những người tham gia cuộc vui đều là người làng nên gần như không có bạo lực, đánh nhau”, Doãn Nam nói.
Lễ hội Giằng bông Sơn Đồng diễn ra trong gần hai giờ đồng hồ. Khi cây bông đã tìm được chủ nhân thì những người khác trong làng cũng vui vẻ rời đình, hẹn cuộc tỉ thí năm sau.