Mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia: Điều chỉnh hay rà soát thủ tục?
Kinh tế - Ngày đăng : 16:15, 11/03/2019
Luật Đầu tư công đã góp phần kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư từ ngân sách. |
Để phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia cần tăng từ 10.000 tỷ đồng lên 15.000 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là: Nên điều chỉnh mức vốn hay rà soát thủ tục hành chính để tăng hiệu quả?
Theo dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và báo cáo giải trình mới nhất (cập nhật ngày 5-3-2019), Chính phủ tiếp tục đề nghị sửa đổi toàn diện Luật Đầu tư công theo tinh thần đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, tăng trách nhiệm và tăng cường hậu kiểm. Đáng lưu ý, cơ quan soạn thảo nhấn mạnh, tiêu chí dự án quan trọng quốc gia có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên là chưa hợp lý, đồng thời cho biết nhiều ý kiến kiến nghị nâng lên 15.000 tỷ đồng.
Lý do được đưa ra là, tại thời điểm thông qua Luật Đầu tư công (năm 2014), quy mô 10.000 tỷ đồng tương đương 0,3% GDP theo giá hiện hành. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2018 ước khoảng 5.555 nghìn tỷ đồng. Như vậy, nếu so sánh với quy mô nền kinh tế thì tiêu chí xác định dự án quan trọng quốc gia có xu hướng ngày càng nhỏ lại. Việc sửa đổi tiêu chí dự án quan trọng quốc gia lên mức 15.000 tỷ đồng sẽ phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế.
Tương tự, đối với các dự án nhóm A, B, C, là nhóm dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc lĩnh vực bảo vệ an ninh, quốc phòng, có tính chất bí mật quốc gia, ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng; cảng biển, cảng sông; sản xuất thông tin, điện tử… cũng được đề nghị tăng mức vốn lên cho phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, quy mô ngân sách.
Trước đề xuất này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, không ít đại biểu Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh nêu trên là quá cao, dẫn tới khó kiểm soát, đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành.
Với kinh nghiệm 5 khóa làm đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thông tin, thời gian qua có dấu hiệu một số dự án lúc đầu định đưa ra Quốc hội quyết nhưng sau đó lại chia nhỏ để không cần trình Quốc hội quyết. Vì đưa ra Quốc hội thì trình tự thủ tục phức tạp hơn, giám sát chặt chẽ hơn. Thực tế, một số dự án không qua Quốc hội sau đó đã phải giải quyết hậu quả bằng nhiều cách khác nhau.
Vì vậy, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, từ trình tự, thủ tục hành chính rườm rà trong các nghị định, thông tư, đánh giá tác động, trước khi xem xét điều chỉnh. Hơn nữa, quy định hiện hành cũng đã nêu trong trường hợp cần thiết thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội được điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án nhóm A, B, C và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất nên đề xuất của Ban Soạn thảo dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) chưa thực sự cần thiết.